2 thg 5, 2013

Những Người Nhạc Sĩ Tiền Bối Qua Vài Hình Ảnh

Các bạn nào từng vào topic của anh Huệ để lấy sheets hay ST Nhạc Tờ xưa cũng thấy nhiều nhạc phẩm xa xưa. Đó là kho tàng của âm nhạc Việt trước cũng như sau 75 từ Bắc Chí Nam. Hàn xin mở topic này để chia sẽ vài thông tin về các nhạc sỹ tiền bối đó. Bạn đàn hay hát những bài nhạc Việt xưa cũng nên Uống Nước Nhớ Nguồn, đừng quên những ai đã sáng tác ra những tác phẩm mà bạn vừa ST cũng trên diễn đàn này.

01 - Nguyễn Ánh 9




Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau
Tin yêu rạt rào mộng ước mai sau
Cho ân tình đầu mãi mãi dài lâu
Cho duyên tình đầu đừng có thương đau...


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại Phan Rang, nhưng lớn lên và ăn học tại Nha Trang, rồi sau đó là Đà Lạt. Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Ánh đã tự học hỏi và chơi dương cầm từ những đĩa nhạc cổ điển đi mượn được của bạn bè.

Trong thời gian học ở Đà Lạt, một điều may mắn lớn nhất của anh, Nguyễn Ánh 9 đã được nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của nhiều bài tình ca nổi tiếng như Ai Lên Xứ Hoa Đào, Cho Người Tình Lỡ... tận tình chỉ dạy và dìu dắt vào thế giới âm nhạc.

Năm 1951, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài Phát Thanh Sàigòn và Đài Phát Thanh Đà Lạt. Từ đó, Nguyễn Ánh 9 đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các bar, các nhà hàng nổi tiếng và những ban nhạc thanh niên.



Cuộc đời nghệ sĩ của Nguyễn Ánh tưởng chừng như dừng lại ở vai trò một nhạc sĩ hòa âm và biểu diễn dương cầm, nhưng sau chuyến đi Nhật vào tháng 8 năm 1970, cùng với Khánh Ly biểu diễn tại hội chợ Osaka (Nhật), với cảm xúc dạt dào, anh viết bài KHÔNG trong vòng một tiếng đồng hồ với những lời lẽ thật lạ thật mới..."Không, không... tôi không còn yêu em nữa". Bài hát lúc đầu cũng có tên thật dài như thế, cảm hứng từ một ca khúc của Christopher "Non, Non, Je ne t'aime plus"...Về sau, Nguyễn Ánh 9 cắt gọn tất cả, chỉ còn lại một chữKHÔNG duy nhất.



Sau khi đi Nhật về, Khánh Ly lấy KHÔNG thu cho hãng dĩa 45 vòng Tình Ca Quê Hương. Một thời gian ngắn sau đó, Elvis Phương hát lại bài này trong một băng nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh và thu lên truyền hình số 9, thì nhạc phẩm "Không" của Nguyễn Ánh 9 mới thật sự gây được một tiếng vang rầm rộ.

Cũng chính ca khúc "Không" của Nguyễn Ánh 9 và "Mộng Dưới Hoa" của Phạm Đình Chương là hai ca khúc Việt Nam đầu tiên đưa tên tuổi Elvis Phương lúc bấy giờ đang hát ở những Club Mỹ qua những tình khúc ngoại quốc bỗng một sớm một chiều được khán giả VN say mê và trở thành một giọng ca vàng hay nhất của nền tân nhạc VN trong suốt hơn 3 thập niên qua.

Khi bài Không được phổ biến, tên tuổi của Nguyễn Ánh 9 được mọi người hâm mộ, anh mới thật sự có cảm hứng sáng tác những ca khúc mới lần lượt như "Ai đưa em về", "Một lời cuối cho em", "Chia phôi", "Không 2", "Trọn kiếp đơn côi" ... vào cuối năm 1971 và đầu năm 1972...

Cùng thời gian đó, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với Khánh Ly và Ngọc Chánh ở phòng trà Queen Bee. Cuối năm 70, sau khi Khánh Ly và Ngọc Minh đi Mỹ về, Queen Bee có một vài thay đổi quan trọng. NS Ngọc Chánh mời nữ danh ca Thanh Thúy "tái xuất giang hồ" đóng trụ ở Queen Bee, trong khi đó thì Khánh Ly về hoạt động ở Tự Do của ông bầu Cường.

Làm ở Queen Bee một thời gian, Nguyễn Ánh 9 về đầu quân ở Mini Club (đường Nguyễn Du vài tháng) cùng với Carol Kim, ban Ba Trái Chuông... Thời gian này, Carol Kim hát thật nức nở đam mê một sáng tác của Nguyễn Ánh 9 "Trọn kiếp đơn côi".

Cuối năm 71, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về cộng tác cho vũ trường Olympia (đường Lê Lợi) và đến năm 1972, Anh về phụ trách chương trình ca nhạc của phòng trà Hồng Hoa.

Thời gian này, Nguyễn Ánh 9 sáng tác thêm 2 ca khúc, đó là "Đêm Tình Yêu" và "Mùa Thu Cánh Nâu" (viết chung với một người bạn tên Hoàng Nhu). Hai bài hát này chỉ được thu mỗi bài một lần duy nhất trong những tác phẩm băng nhạc nghệ thuật của Phạm Mạnh Cương phát hành năm 1972 bằng giọng hát Khánh Ly, về sau này, khoảng năm 1981, TT Diễm Xưa mua lại cuốn master "Thương Một Người" gồm 14 ca khúc chọn lọc với giọng ca Khánh Ly, trong số đó có nhạc phẩm "Mùa Thu Cánh Nâu" rất lãng mạn nồng nàn.

Một thời gian dài sau 75, Nguyễn Ánh 9 tạm ngưng các hoạt động âm nhạc, và sống âm thầm làm một người bình thường, bương chải lao động kiếm sống bằng những nghề khác với chính đôi bàn tay nghệ sĩ của mình.

Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 mới chính thức tái ngộ trở lại với thế giới âm nhạc, và thế là, với tất cả tâm hồn của một nhạc sĩ, anh lại tiếp tục tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm khắp nơi. Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như "Mảnh tình nghiệt ngã", "Mênh mông tình buồn..."

Khoảng thời gian 1989 đến 1992, Nguyễn Ánh 9 không còn sáng tác nhiều. Tình ca của Nguyễn Ánh 9 thời gian đó có bài "Cô Đơn". Nhạc phẩm này được Anh nuôi dưỡng và hoàn tất trong 5 năm. Với "Cô Đơn", ta không còn nghe một giai điệu u buồn như những ca khúc xưa mà là những lời triết lý về tình yêu, hạnh phúc mang tiết tấu nhạc bán cổ điển thật nhẹ nhàng. Bài hát này, đã được Khánh Hà thu băng đầu tiên ở hải ngoại trong cuốn CD "Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào" năm 1992... và sau đó được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Phi Khanh, Vũ Khanh, Như Mai... thu hình, thu Video những thời gian sau đó.

Năm 1995, anh sáng tác thêm ca khúc "Cho Người Tình Xa" là những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng về một cuộc tình đã dở dang. Năm 1994, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được mời sang Pháp viết nhạc nền cho một bộ phim viết về trẻ em ở Cửu Long của Hội Từ Thiện Pháp và tham gia Hội Sáng Tác Gia Quốc Tế Sacem của Pháp. Nhân đó, Anh đã thực hiện đĩa compact disc độc tấu dương cầm của mình.

Nguyễn Ánh 9 cùng Quốc Dũng viếng thăm Hoa Kỳ năm 2001, được bạn bè cũ đón tiếp nồng nhiệt, và tổ chức một đêm chào mừng Nguyễn Ánh 9 và Quốc Dũng..


Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012
 
02 - Khánh Băng

Nhạc sĩ Khánh Băng và "Chiều nay gió đông về"
Dù chưa bước qua ngưỡng thất thập cổ lai hy nhưng đôi mắt của ông gần như đã mù lòa. Mọi việc, dù nhỏ nhặt bình thường nhất cũng cần có người thân giúp đỡ. Con người ấy đã một thời thành danh trong làng âm nhạc ở Sài Gòn những năm trước 1975.
Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam, Vũng Tàu. Nghệ danh Khánh Băng được ông ghép từ tên của hai cô bạn học từ thời tiểu học, một người là Khanh còn người kia tên Băng, ông thêm dấu "sắc" thành Khánh Băng.

Năm 1949, Khánh Băng lên Sài Gòn học trung học ở trường Huỳnh Khương Ninh - Đa Kao. Cùng một vài người bạn Vân Hùng, Tùng Lâm... ông lập một ban nhạc cùng nhau thường xuyên tập dượt và chơi miễn phí cho các đám cưới.



Khánh Băng thực sự khởi đầu sự nghiệp ca nhạc năm 1954, được sự hướng dẫn và giúp đỡ của nhạc sĩ Võ Đức Thu, với cây đàn mandoline Khánh Băng thi đậu vào làm nhạc công ở Đài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó, được Tùng Lâm tiến cử với nghệ sĩ Trần Văn Trạch, ông chơi đàn ở đoàn Sầm Giang và rồi ở Đài phát thanh Pháp Á. Khánh Băng được coi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu, trong thập niên 1960.

Khánh Băng (bên phải) trong ban nhạc Thời ĐạiKháng Băng viết nhạc rất sớm, từ những năm học tiểu học, bản thân ông cũng không nhớ bản nhạc đầu tay của mình. Bài hát đầu tiên của ông được phát thanh là Nụ cười thơ ngây, do Minh Trang và Anh Ngọc song ca trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 15 tháng 3 1955. Khánh Băng bắt đầu thành danh với Vọng ngày xanh được viết năm 1956. Nhạc phẩm đó được nhà văn nữ nổi tiếng Françoise Sagan viết lời Pháp và cũng nhờ Vọng ngày xanh, ông được Hội Tác quyền Thế giới mời gia nhập. Vọng ngày xanh được nhiều ca sĩ như Minh Trang, Lệ Thu, Hùng Cường... trình bày, trong đó thành công hơn cả phải kể đến danh ca Thái Thanh.



Khánh Băng viết rất nhiều ca khúc có tiết tấu nhanh, sôi động, thường được gọi là thể loại nhạc kích động. Những bài hát Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi... do ông sáng tác vào khoảng năm 1962 được coi là những bài nhạc trẻ đầu tiên ở Việt Nam. Sầu đông, một trong hai nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Khánh Băng cùng Vọng ngày xanh, còn được ông viết thêm lời Pháp. Nó cũng có thêm lời tiếng Anh do một người khác viết.

Khánh Băng cũng viết nhiều ca khúc chữ tình với các bút danh Anh Minh, Nhật Hà... Trong khoảng thởi gian từ 1991 đến 1996, trước khi bị mù do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, ông vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài hát phổ biến như Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê... mang phong Nam Bộ. Về số lượng ca khúc ông đã viết, theo lời Khánh Băng: "500 thì quá ít mà 1.000 lại hơi nhiều".

Ông mất ngày 9 tháng 2 năm 2005, mùng một Tết Ất Dậu tại nhà riêng, đường Chu Văn An thành phố Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Khánh Băng được an táng tại quê nhà Vũng Tàu.


Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012  
03 - Hoàng Phương



Trước 75, có một bản nhạc làm cho nhiều người chú ý rồi ưa thích với tên "Hoa sứ nhà nàng" mà tác giả là Hoàng Phương, một tên tuổi còn khá xa lạ trong giới tân nhạc Việt Nam thuở ấy. Nhưng rồi người ta thường nghe tên Hoàng Phương nhiều hơn qua những ca khúc khác như Hoa sứ nhà nàng II, Tình hè, Hương sơ-ri, Chuyện tình hoa muống biển, Biển tím

Năm 1943, tại nhà bảo sanh Gò Công, chú bé Nguyễn Kim Hoàng (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Phương). Con của bà Đặng Thị Đài ( quê ấp cầu muống) và ông Nguyễn Kim Trọng (quê xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) cất tiếng khóc chào đời. Kim Hoàng là cháu nội của ông hương sứ, chú bé thật khôi ngô, hay cười, khiến gia đình họ hàng đều quý mến, lớn lên, Kim Hoàng học trường Trương Định (nay vẫn là Trương Định _thị xã Gò Công). Học chữ nhưng lại mê nhạc. Hình như anh có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Anh tìm đến cây đàn violon, mày mò kéo theo ý thích của mình, tự học đàn violon là điều rất khó khăn, anh phải “tầm thầy học đạo”, thế là nhạc sĩ Lê Vinh, tác giả của bài “Người em xóm đạo” trở thành người thầy âm nhạc đầu tiên của anh, thầy không có nhiều thời gian để dậy kĩ càng cho anh, anh phải tự học, học đến quên cả học chữ, hết năm lớp 11, anh ôm đàn về nhà, bỏ học ở trường phổ thông, nghiệp cầm ca đến với anh lúc nào không hay. Anh ít lên sân khấu, do hồi nhỏ bị một cái mụn lớn ở mắt cá, thầy thuốc hút mủ không khéo bị rút gân, thành ra chân đi cà thọt, nhưng anh lại học thêm đàn guitare, rồi học thêm nghề sửa đồng hồ của cha để kiếm sống. Năm 1965, lúc anh mới 23 tuổi, anh cưới một người con gái tại thị xã Gò Công rồi mở tiêm sửa đồng hồ tại chợ, 3 năm sau ( năm 1968) , lúc anh 25 tuổi, nhạc phẩm đầu tay của anh ra đời và anh trở thành người nổi tiếng, đó là tác phẩm “ Hoa sứ nhà nàng” . Sau khi đài Sài Gòn phát đi, những ca khúc ngọt ngào của anh luôn đặt trên môi thanh niên vùng địch tạm chiếm: “đêm đêm ngửi mùi hương. Mùi hoa sứ nhà nàng…hương nồng hoa tình ái…nhà nàng cách nhà tôi, màu hoa trắng ngọt ngào…[” sau thành công của “ Hoa sứ nhà nàng” anh cho ra đời một loạt tác phẩm: “Mùa nhạn trắng”, “Đàn thương cô quán trong làng”, “ Anh về đẹp tình quê hương”, “ Nhớ mẹ”, “ Anh hai về làng”, “Sông quê tình nhớ”, và viết tặng người yêu của mình : "Tình em quán phượng”. Những ca khúc của anh đều kí tên Hoàng Phương và được các trung tâm băng nhạc thời ấy phát hành.



Ca từ trong ca khúc của anh phần lớn đề cập đến quê hương Gò Công yêu dấu của anh, đến tình yêu đôi lứa, đến những người thân yêu. Anh không giấu diếm khi viết về Phượng - người mà anh đem lòng yêu mến, anh khôn hề đưa cuộc chiến vốn đang sôi bỏng vào âm nhạc của mình. Anh không quan tâm, hay nói đúng hơn anh né tránh điều đó. Anh mở tiệm vàng, rồi từ vàng nuôi nhạc, nhạc nuôi tâm hồn anh.

Sau năm 1975, anh mở tiệm sửa chữa đồng hồ, công việc ấy đòi hỏi sự tỉ mẫn và tốn nhiều thời gian, nhưng bù lại, anh tích luỹ được vốn, để sau đó mở lại tiệm vàng Kim Hoàng và sau đó mở tiếp tiệm vàng Toàn Tân ngay trong nhà lồng chợ. Niềm đam mê âm nhạc lại thúc giục anh ôm đàn tìm giai điệu, anh sáng tác không mệt mỏi, hàng loạt bài hát về quê hương Tiền Giang ra đời: Chiều hè bãi biển (1986), Chung một dòng sông ( 1986), Gò Công hồng trang sử (1986), Biển thức (1986), Về nông trường Phú Đông (1986), Tiếng chim mùa xuân (1986), Nhà em đó –bên kia sông (1986), Biển Gò Công khi em đến (1986), Chiều xuân qua thị trấn Gò Công (1986), Ánh mắt quê hương(1986), Khung trời quê (1987), Khúc Cachuisa hát ở bên sông Tiền (1987), Mỹ tho thành phố cội nguồn (1987), Biển tím (1987), Đôi mắt quê hương (1987), Mẹ Gò Công (1988), Chuyện tình hoa muống biển (1988), Hẹn em bên cửa sông Tiền (1992), Hương sơ ry (1993), Nhớ biển Gò Công (2001), Xa rồi Gò Công(2002), Chuyến xe Tiền Giang (2002)… đủ thấy anh yêu quý quê hương này đến như thế nào.

Như hầu hết các ca nhạc sĩ khác, anh vẫn dành cho tình yêu lứa đôi nhưng giai điệu mượt mà. “ Hoa sứ nhà nàng” được viết năm 1968 và có sức sống lâu bền được anh tiếp tục khai thác, để có thêm “ Hoa sứ nhà nàng II” và “ Hoa sứ nhà nàng III”. Trong những năm 90 của thế kỉ trước, những tình khúc của anh là những câu truyện dang dở, những mối tình quê, đậm đà, chân chất như chính những con người quê anh: thật thà, mặn nồng, chung thuỷ: Căn nhà mộng ước (1972), Chiều mưa thứ bảy (1988), Cánh diều kỉ niệm (1988), Chiều mưa thứ bảy (1988), Gợi tình chim quyên (1990), Sông quê tình nhớ (1990), Về Trà Vinh (1991), Chiếc cầu chiều mưa (1991), Cánh thư trời xa(1992), Thuyền giấy chiều mưa (1993), Chung vần trăng đợi (2000), cùng với con trai là Hoàng Tùng cho ra đời bài : Ao nhà ao bên (2000)…Anh cũng không ngần ngại khi viết về những mối tình trắc trở, những nỗi buồn cô đơn như đời thực vốn có: Tình bể dâu(2000), Xuân này anh vẫn cô đơn(1990), Tình khóc (2000)… làm cho các nhạc phẩm của anh trở nên đa dạng, nhiều mầu sắc, nhiều cung bậc và đầy tâm trạng. Có lẽ vì thế mà anh có mặt ở nhiều băng nhạc trong buổi hoàng hôn của nhạc tâm ca, vốn rất thịnh hành ở miền Nam nửa sau thế kỉ XX.

Hoàng Phương sáng tác như để trả nợ cuộc đời, sự trả nợ chẳng bao giờ đủ, vì thế mà anh luôn ngồi ôm đàn, ngón tay cái bị tật bẩm sinh cứ vểnh lên trên phím, mắt luôn nhắm, đầu gật gù, miệng luông ngậm điếu thuốc, điếu thuốc cũng gật gù với giai điệu, để rồi những bài hát đó từ đó mà đi vào cuộc sống.

Hào sảng và mê đắm, anh sống đời nghệ sĩ đúng nghĩa, tất cả cho sự ra đời các nhạc phẩm. Với anh, nghệ thuật không song hành với kinh tế, hai tiệm vàng lần lượt bay đi, cuộc sống mỗi ngày càng trở lên cơ cực, anh lên Sài Gòn tìm đến các trung tâm băng nhạc để kiếm sống, nhưng cách kiếm sống đó không có tính bền vững, năm 2002 anh lâm bệnh.

Ngày 14 tháng 08 năm 2002 nhạc sĩ Hoàng Phương - nhạc sĩ Hoa Sứ (như bạn bè thường gọi) qua đời, để lại những tiếc thương của bạn bè và những bài ca dang dở.
Nhạc sĩ Hoa Sứ ra đi, nhưng trong phòng Karaoké, các cô cậu vẫn ngân lên: Đêm đêm ngửi mùi hương- mùi hoa sứ nhà nàng… như một nhắc nhở người nhạc sĩ tài hoa bên bờ biển Đông, cuối dòng Cửu Long này.

Tác giả: Lê Ái Siêm

Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012 
04 - Đỗ Lễ

Hàn biết qua NS này khi nghe bài Sang Ngang buồn tha thiết trong cuộc tình không trọn vẹn, vậy mà khi con nhỏ bạn bè trong xóm đã mất zậy gọi láy tên ông là cái đổ Để Lỗ. Từ này trong tiếng Việt tùy dấu hỏi ngã mang nhiều ý nghĩa khác nhau!

Ai từng yêu nhạc mà không âm thầm nghĩ đến Đỗ Lễ, cái lặng lẽ âm thầm ấy… là sự đau thương trog tình khúc reo hờn trầm buồn đi thẳng vào cuộc đời. Từ muôn trùng, mỗi lần nghe tiếng nhạc trổi vang là mỗi lần cảm thấy lòng bùi ngùi se sắt lại, tình bâng khuâng với giòng nước, hồn lơ lửng theo mây gió. Trong những phút tuyệt vời ấy, người ta lại thầm nghĩ tới người nghệ sĩ đã soạn thành những tình khúc dang dở của tình yêu, hình dung đến cái đẹp hào hoa tao nhã của con người nhiều lãng mạn và mộng mơ, để lòng thổn thức với thế nhân.



Những hình ảnh đẹp rực rỡ huy hoàng của chàng nhạc sĩ Đỗ Lễ là người mang đầy những thơ mộng dày đặc những đau thương và sầu khổ đã phủ kín đời anh. Đỗ Lễ ra đời năm 41 tại Hà nội, Trời đã phú cho Đỗ Lễ từ thuở nhỏ, năm 14 tuổi đã sáng tác, đến năm 18 tuổi nổi tiếng nhạc phẩm đầu tiên Tan vỡ & Sang ngang, tiếng nhạc trở nên réo rắt và tâm hồn trở nên tha thiết trong mối tình đầu dang dở ấy… Những tiếng nhạc buồn như mời mọc, van xin và sự sầu khổ man mác tạo thành những ca khúc tuyệt vời là tiếng lòng thổn thức của Đỗ Lễ.

Nếu biết rằng yêu là đau khổ thì… ta vẫn yêu.
Nếu biết rằng hát giữa sa mạc thì… ta vẫn hát.
Ôi ! những thương mà ta đã xa…


Tên thật của ông là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12-10-1941 tại Hà Nội. Học tiểu học trường Hàng Vôi, trung học Chu Văn An (1952), Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn (1953), Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (1954), Đại Học Khoa Học Sài Gòn (1959), Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1963). Tự học nhạc năm 1951 và bắt đầu sáng tác từ năm 1956 khi vừa tròn 15 tuổi. Tuyệt vọng vì yêu một ca sĩ (Lệ Thanh) nhưng không được đáp lại và khi nàng lên xe hoa thì ông sáng tác bài Sang Ngang rất nổi tiếng sau này và đã làm cho biết bao nữ sinh rơi nưóc mắt.


“Thôi nín đi em
Lệ đẫm vai rồi
Buồn thương nhớ ai

Mai bước sang ngang
Lòng thêm nát tan
Tình đã dở dang

Thôi khóc làm gì
Đã lỡ duyên thề
Thương nhau làm chi

Nỗi buồn ai hay
Khi mình chia tay
Xa cách nhau rồi …”


Lúc đó có nữ ca sĩ (Y. X ) đã trình bày lần đầu tiên bài hát này ở các phòng trà và sau đó đã trở thành bà Đỗ Lễ. Tuy nhiên cuộc tình của họ chỉ kéo dài được 6 năm và tan vỡ sau khi họ có với nhau ba mặt con. (Sau này người vợ của nhạc sĩ đã ôm cầm sang thuyền khác và đã định cư ở Mỹ).

Trước đó nhạc sĩ Đỗ Lễ có phụ trách một chương trình ca nhạc trên đài Truyền Hình ở Sài Gòn hàng tuần mang tên là “Thời Trang Nhạc Tuyển”. Chương trình này quy tụ các ca sĩ như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan, Phương Hồng Hạnh, Ngọc Minh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Caroll Kim, Hoài Xuân, Xuân Đào, tam ca Sao Băng, 3 Con Mèo, 3 Trái Táo …Đặc biệt là chính Đỗ Lễ lại là người hoạ sĩ vẽ trang trí cho sân khấu những show truyền hình của ông, nên ông được nhiều người gọi là họa sĩ “Sang Ngang” như tên một bài hát của ông.

Sau khi chia tay với người vợ đầu, thời gian cô đơn này nhạc sĩ Đỗ Lễ quá đau thương, nên ông đã sáng tác nhiều bản nhạc nghe rất não lòng như Tình Phụ. Chính bản nhạc này đã được hãng phim của Thẩm Thúy Hằng chọn làm nhạc chủ đề cho phim “Nàng” với tiếng hát của Carol Kim. Trong chương trình Asia 55, bài hát này đã được Nguyên Khang và Y Phương trình bày rất điêu luyện qua từng lời ca than oán và nét mặt ưu sầu của họ đã đã diễn tả rất chính xác tâm trạng đau buồn của nhạc sĩ và hàng triệu người khác có cùng chung một tâm sự suốt mấy chục năm qua.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ sinh sống bằng cách mở lớp dạy nhạc tại Sài Gòn. Đến năm 1994 nhạc sĩ Đỗ Lễ được thân nhân bão lãnh qua Mỹ định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Nhưng đời sống nơi xứ lạ này không làm ông yên tâm hay thoải mái như bao nhiêu người khác, mà ông lại một mình quay về chốn cũ, với nhiều kỷ niệm xưa để tự kết liễu đời mình ở đó trong cô đơn, thất vọng não nề như những lời tiên tri trong các bài hát của ông ?

Sang Ngang
Sáng tác trong thập niên 60

LỜI 1
1. Thôi nín đi em!
Lệ đẫm vai rồi
Buồn thương nhớ ơi!
Anh hỡi đôi mình
Mộng nay đã tan
Tình đã dở dang

Em khóc những chiều
Anh xót xa nhiều
Thương cho tình yêu
Nỗi buồn chua cay
Khi lòng đổi thay
Thôi hết sum vầy


Điệp khúc:
Nếu biết rằng . . . tình là giây oan
Nếu biết rằng . . . hợp rồi sẽ tan
Nếu biết rằng . . . yêu là đau khổ
Thà dương gian . . . đừng có chúng mình

2. Lau mắt đi em
Gần hết đêm rồi
Buồn thêm nữa sao
Mai bước sang ngang
Lòng thêm nát tan
Tình đã dở dang

Thôi khóc làm gì
Đã lỡ duyên thề
Thương nhau làm chi?
Nỗi buồn ai hay
Khi mình chia tay
Xa cách nhau rồi

LỜI 2
1. Năm tháng trôi qua!
Nay bỗng nhớ lại
Chuyện tình đắng cay
Anh nuốt thương đau
Nhìn tình dở dang
Lòng thêm khóc than

Ôi xót xa nhiều
Lệ bỗng tuôn trào
Thương cho tình côi
Trách thầm người yêu
Nỡ phụ tình tôi
Không nói nên lời


Điệp khúc:
Nếu biết rằng . . . cuộc đời ngang trái
Nếu biết rằng . . . tình này chóng phai
Cho chúng mình . . . mang nhiều đau khổ
Thì yêu đương . . . đành cố chôn vùi


2. Thôi nhé em ơi
Tình đã lỡ rồi
Buồn cũng thế thôi
Anh nén chua cay
Nhìn em khóc than
Tình duyên bẽ bàng

Thôi nhắc làm gì
Cho xót xa nhiều
Bao nhiêu hận căm
Mối tình ngày xưa
Xóa dần trong mơ
Chôn xuống tuyền đài

Tài liệu tham khảo: Ấn phẩm của nhà xuất bản Minh Phát", G . P . số 5360 BTT/NHK/PHNT ngày 16/12/1969.


Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012 
05 - Bắc Sơn


Nhạc sĩ Bắc Sơn và những ca khúc đậm chất Nam Bộ.
Không chỉ là gương mặt quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ với trên 50 bộ phim, ông còn là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm mang đậm chất dân ca như "Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Bông bưởi hoa cau", "Hoa đào năm ngoái". Ông luôn coi điện ảnh là niềm đam mê còn âm nhạc là duyên nợ.

- Tên thật : Trương Văn Khuê
- Sinh năm : 1931
- Mất năm : 23-2-2005
- Ca khúc đầu tay: Mình gặp nhau chăng?
- Ca khúc nổi tiếng : Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bông bí vàng, Bông bưởi hoa cau, Hoa đào năm ngoái, Em đi trên cỏ non, Hai mùa mưa nắng, Sa mưa giông, Còn thương góc bếp chái hè, Em và nỗi nhớ, Nghe tiếng piano trên đời, Lặng lẽ, Đêm nghe tiếng vọng cổ, Mẹ ngồi sàng gạo, Đêm nằm nhớ mẹ...

Phỏng Vấn Bắc Sơn

Ông viết ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" như thế nào?

- Tôi viết bản nhạc này làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình Bếp lửa ấm, phát trên Truyền hình Sài Gòn ngày 27/11/1974. Thời đó, tôi viết hàng loạt kịch truyện cho chương trình Quê ngoại, phát trên truyền hình nhằm mục đích vận động tinh thần dân tộc. Người hát bài này đầu tiên chính là Hoàng Oanh, nhưng bản nhạc không nổi lên được bởi thời ấy, loại nhạc này không được mấy người ưa chuộng. Sau 1975, ca sĩ Hương Lan hát và ghi âm Còn thương rau đắng mọc sau hè tại Pháp và nhanh chóng lan truyền trong giới Việt kiều bởi cùng chung tâm trạng vọng cố hương của những người xa xứ. Mọi cảm xúc để tôi viết bài hát này cứ tự nhiên mà đến, tôi nghĩ sao thì viết vậy chứ chẳng cần điều gì to tát cả. Tuy nhiên, đây không phải là bản nhạc tâm đắc nhất của tôi.

Vậy đâu là nhạc phẩm ông tâm đắc nhất?

- Có khá nhiều, chẳng hạn bài Đêm nghe tiếng vọng cổ tôi viết xong ngày 29/11/1999, trong đó có đoạn: "Đêm nghe bài vọng cổ. Ai đàn dây Long Xuyên. Mưa tuôn ngoài của sổ. Xao động nỗi niềm riêng... Điệu đàn buồn, dòng sông, dòng suối ôm lũy tre. Còn thương bụi chuối ở sau hè, bụi tre đầu ngõ để em chờ mẹ về chợ trưa...". Hoặc những bài tôi viết về mẹ như bài Mẹ ngồi sàng gạo. Mẹ tôi ngồi sàng gạo trên những bậc thềm đá ong mòn nhẵn dấu chân, trông mẹ cô đơn đến tội. Mẹ sàng gạo mướn cho bà con chòm xóm, họ tạ lại bà nửa lon gạo mới sàng... Bao nhiêu lần tôi bảo mẹ lên Sài Gòn ở với con, mẹ bảo: "Mẹ phải ở lại, đặt chân lên chỗ mòn thềm rêu, cho ấm hồn người xưa...". 2 năm sau khi mẹ mất, tôi không viết nổi một bài hát về mẹ - không dám viết thì đúng hơn. Vừa rồi tôi mới viết bài Đêm nằm nhớ mẹ. Bài này, phần đầu không có nhạc nền chỉ có câu ru làm nỗi nhớ cuộn lên, văng vẳng tiếng ếch nhái từ xa vọng về, phần giữa là nhịp hát rong, đoạn cuối êm dịu, thiết tha.

Tại sao ông thích viết nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ?

- Không hẳn như vậy đâu. Tôi đã viết được khoảng 500 nhạc phẩm, trong đó có cả nhạc không lời, bán cổ điển (dài 5, 6 trang) và cả những ca khúc trữ tình như Em và nỗi nhớ, Nghe tiếng piano trên đời, Lặng lẽ... Bản nhạc đầu tay của tôi là Mình gặp nhau chăng? Riêng nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ tôi viết khoảng 300 bài. Tôi thích viết bởi tôi là dân Nam Bộ. Thể loại này lạ lắm: tân không ra tân, cổ không ra cổ. Tôi cùng với các nhạc sĩ Thanh Sơn, Vũ Đức Sao Biển đã có một thời gian nghiên cứu cổ nhạc và cùng... thẩm thấu.

Sắp tới, ông sẽ viết tác phẩm gì?

- Tôi sẽ viết truyện ngắn dựa trên... ca khúc của tôi, gọi là "nhạc truyện". Ngoài ra, tôi tích lũy vốn sống cả đời rồi viết ra thành sách. Cứ viết ra, hay dở không cần thiết, biết đâu 5, 10 năm sau có chỗ dùng.

(Theo Thanh Niên)

Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012 
06 - Anh Việt Thu


Anh Việt Thu sinh năm 1940 có tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang quê ở Cái Bè-An Hữu ( Tiền Giang). Bút danh nầy theo lời của anh Vũ Anh Sương ( làm thơ –bạn Anh Việt Thu ) xuất phát từ câu chuyện gia đình: tên Việt Thu là em trai của ông, do ông phải bảo bọc người em nên đặt tên như thế để nhớ trách nhiệm của mình: anh của Việt Thu. Ông hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn vào những năm 70.



Anh Việt Thu tên thật Huỳnh Hữu Kim Sang sinh năm 1940 tại Mỹ Tho
cựu quân nhân, thuộc binh chủng Đia Phương Quân từng gác cầu Bình Triệu, Thủ đức. Năm 1970 về phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến
mất năm 1974 tại Sài gòn.


Tác Phẩm
Cuốn Theo Chiều Gió
Đa Tạ
Đường Chúng Ta đi
Giòng An Giang
Hai Vì Sao Lạc
Máu Chảy Về Tim
Mình Nhớ Nhau Không
Một Mình Thôi
Mùa Xuân Hát Cho Em
Người đi Ngoài Phố
Nhớ Nhau Làm Gì
Như Giọt Sầu Rơi
Tám điệp Khúc
Trên đầu Súng
Vuốt Mặt

Vào năm 1964 Anh Việt Thu từ Sài Gòn lên Tây Ninh dạy học ở trường Nam (nay là trường PTTH Trần Hưng Đạo ). Có thể nói ông là người đầu tiên đưa âm nhạc vào học đường thời ấy. Lớp học trò bây giờ ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh còn nhớ bài hát valse ngọt ngào thầy Thu dạy:

"Dòng An Giang sông sâu nước biếc,dòng An Giang cây xanh là thắm ,lã lướt về qua Thất Sơn….
Dòng An Giang đáy nước in sâu, nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa, nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô…Đ
Đây những người thôn nữ xinh duyên dáng chuyền tay dắt nhau múc mấy vầng trăng đổ đi…"

Ông dạy nhạc có những nét độc đáo khó quên, lúc ngẫu hứng cùng thầy đi bộ từ chợ cũ- thị xã (nơi ông thuê nhà luật sư Đinh) xuống dốc sương mù Mít Một vào khu vườn sầu riêng của hai người bạn tên Muông-Trâm để vui chơi ca hát. Lương bổng thời đó rất khá (tương đương một chiếc xe Honda Nhật) nhưng do tánh nghệ sỹ nên cũng túng thiếu dài dài, có lần ông phải bán chiếc radio 3 band để trả tiền thuê nhà.(Nên nhớ thời đó có cái radio là quý, nghệ sỹ càng quý hơn vì để nghe nhạc của mình.)
Đời nghệ sỹ là vậy, xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử từng than: Gió trăng có sẵn làm sao ăn?

Ông là một trong những người đưa những âm điệu nhẹ nhàng bình dân vào nhạc cùng với các nhạc sỹ Trúc Phương, Châu Kỳ, Minh Kỳ. Lam phương… (Như điệu boléro,ballade,habanera…) và đã từng đỗ hạng ưu khoá I trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn.

Anh Việt Thu sinh năm 1940 có tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang quê ở Cái Bè-An Hữu ( Tiền Giang). Bút danh nầy theo lời của anh Vũ Anh Sương ( làm thơ –bạn Anh Việt Thu ) xuất phát từ câu chuyện gia đình: tên Việt Thu là em trai của ông, do ông phải bảo bọc người em nên đặt tên như thế để nhớ trách nhiệm của mình: anh của Việt Thu. Ông hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn vào những năm 70.

Các bài hát của ông đã quá quen với quần chúng : Đa tạ, Người ngoài phố, Tám điệp khúc, Hai vì sao lạc, Người đi ngoài phố..

Và sau nầy phổ khá nhiều bài thơ của người bạn thân- nhà thơ Thiên Hà rất thịnh hành quen thuộc với người yêu nhạc như bài : Nhớ nhau hoài ( Duy Khánh ca ): "... em ở nơi nào có còn mùa xuân không em, rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm. Nắng ở trên đầu nắng trong lòng phố, gió ở trên non gió cuốn mây về...". Hay bài Gió về miền xuôi: "Gió về miền xuôi anh đưa em cuối nẻo cuối đường, gió đầu non gió lọt đầu ghềnh,đường em đi đường nở hoa khắp luống cày…" . Đến giờ vẫn còn nhiều người hát, trình diễn, thu đĩa…

Âm nhạc Anh Việt Thu mang đậm tình quê hương dân tộc, khát vọng hòa bình rất chân thành: "Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải lạnh lùng nắng hạ vàng rơi phủ bờ vai, lời ai ru gió hiu hiu buồn... Tôi xin đa tạ lời ca tiếng ru êm đềm ôi lời ca đã xua chinh chiến. Xin đa tạ mẹ quê vất vả thật thà…" ( Đa Tạ)

Trong một dịp xuống Cẩm Giang chơi ( năm 2005 ), tôi được Vũ Anh Sương cho xem bức thư ông gửi khi sáng tác xong bài này, lời thư rất cảm động: Mình vừa sáng tác xong 2 bài, độ trung tuần tháng tư trở đi cậu đón nghe đó là Chân dung và Đa tạ. Hiện mình chưa in ronéo, cuối tháng tời mình in luôn, cậu nhớ mua cái radio nho nhỏ nghe nhạc mình xem sao? Mình vẫn sống vất vưởng cù bất cù bơ…(thư đề ngày 31/3/66)

Cũng vào thời ấy,ông phổ một bài thơ hay của thi sỹ Trường Anh : bài Mưa Cẩm Giang ( một nhà giáo ở Gò Dầu- trích trong tập thơ khá nổi tiếng thời ấy: Mưa Đêm Nay – 1964 do Vũ Hoàng Chương đề tựa ) :

Thăm thẳm đường trường tôi người cô độc
Mòn gót giầy cắm trọ quán đêm nay
Mưa Cẩm giang như niềm đau ai khóc
Đường sụt sùi qua mấy nẻo truông lầy…
Cho cốc cà phê cô hàng xanh tóc
Miệng em cười nhạt đắng chở màu cay
Cẩm Giang ơi đây ngày xưa trách móc
Xiềng khua chân rổn rảng kiếp đi đầy
Lớp hưng phế xô nghiêng nhà tróc nóc
Mồ của ai nằm trăng lạnh gió lay…


Và sau đó được nữ ca sỹ Hoàng Oanh hát đã làm mê mẫn lòng người, đưa sông nước Cẩm Giang đi vào huyền thoại. Sau nầy rất nhiều thơ văn viết về Cẩm Giang. ( Truyện ngắn Cơn mộng Cẩm Giang của Nguyễn Đạt đăng Tuổi Trẻ chủ nhật -1995- Trong tập thơ Chốn Xưa của Nguyễn Quốc Nam - nhà xb Văn Nghệ 2006...)

Năm 1972 ông là một trong 12 nhạc sỹ du ca Việt nam có mặt trong tuyển tập nhạc hát cho những người sống sót –(Bút nhạc xb 1973) ông đã viết: Một ngày Việt Nam thơm lừng hòa bình, một ngày Việt Nam bay tràn thế giới…

Đến năm 1975 ông qua đời tại TP HCM, hiện còn người vợ là bà Trần Nữ Hiệp và con trai Việt Bằng sống ở Sài Gòn.

Nguyễn Quốc Đông

Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012 
07 - Vũ Thành An



Vũ Thành An sinh tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào miền Nam. Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, có theo học nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên, Đức Huy. Năm 1961 ông thi hỏng Tú tài và về trường Hưng Đạo học tiếp Đệ nhị. Năm 1963, Vũ Thành An thi đậu Tú tài toàn phần.

Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ thất để có tiền học Đại học. Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở đó ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, thơ Nguyễn Đình Toàn và nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay đó. Những năm tiếp theo, ông viết nhiều Bài không tên khác. Năm 1967, Vũ Thành An nhập ngũ khóa 25 Sĩ quan dự bị Thủ Đức và 1969 ông lập gia đình.



Năm 1969, ông phát hành tập nhạc những Bài Không Tên. Các tác phẩm của Vũ Thành An được yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. Tên tuổi của Vũ Thành An cùng với Tình khúc thứ nhất, Em đến thăm anh đêm ba mươi và các Bài không tên gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. Vũ Thành An cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương tạo thành một lớp nhạc sĩ mới đầy tài năng.

Năm 1971, Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn. Ông tiếp tục làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.

Ngày 30 tháng 4 1975, Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài phát thanh Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông bị tù cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc. Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, Những Bài Nhân Bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981.


Năm 1991, Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Cao học Thần học của Tổng giáo phận Portland, Oregon. Năm 2000, Vũ Thành An được đào tạo làm chức Phó Tế và phụ trách Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. Vũ Thành An ngừng sáng tác tình khúc và chỉ tiếp tục soạn các bản thánh ca, và tham gia các công việc từ thiện.

Nhạc tình Vũ Thành An là một kết hợp của âm điệu nhẹ nhàng, lã lướt với lời hát như quyện vào tâm hồn người nghe. Thế nên từ cuối thập niên 60, tới đầu thập niên 70, một chuỗi sáng tác của Vũ Thành An qua các nhạc phẩm “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi”, các bài “Không Tên” được giới yêu âm nhạc đón nhận nồng nhiệt và nghiễm nhiên trở thành những bản ”Nhạc Tình Vũ Thành An”, một dấu ấn lãng mạn của thời Nhạc Vàng !

Khi qua được Mỹ, thì Vũ Thành An sáng tác nhiều nhạc phẩm mang phong cách và ca khúc khác hơn xưa, như loạt nhạc “Nhân Bản Ca”. Rồi thất bại, ông viết tiếp “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” như một chấp nhận sự trở về. Sau đó có “Đời Đá Vàng” được Khánh Hà trình bày làm xao xuyến tâm hồn người nghe nhạc, là một cái nhìn triết lý mới của Vũ Thành An. Bài “Tình Xưa Gái Huế” nghe nhẹ nhàng không phải là những ray rứt, trách cứ như ngày nào . Giới thưởng ngoạn đang trong thời kỳ hấp thụ dòng nhạc mới này của ông, thì bỗng dưng ông tuyên bố ông không sáng tác Nhạc Tình nữa, mà chuyển hướng qua con đường sáng tác Nhạc Thánh Ca.

Thật là một bất ngờ, đối với giới ái mộ ông, có thể là nỗi thất vọng xen lẫn với những bàng hoàng tiếc nuối. Phải chăng sự đổi thay này xuất phát từ mười năm trong trại cải tạo chăng ? Chắc hẳn mười năm là một thời gian dài, với rất nhiều thời gian để ông suy tư chuyển hướng !?
Những Bài Không Tên

Sáng tác của Vũ Thành An có khoảng 40 bài, được đánh số không theo thứ tự thời gian, trong đó một số bài mang tên khác. Một vài Bài không tên khác không đánh số như Bài không tên cuối cùng và Bài không tên cuối cùng tiếp nối…

Xin được giới thiệu các sáng tác của ông qua những câu đầu trong ca khúc :

- Bài không tên số 1 : Xin đời sống cho tôi mượn tiếng / Xin cho cơn mê thêm dài một chuyến…

- Bài không tên số 2 ; Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều, nhiều cơn gió xoay / xoay trong hồn, và cơn đau này vẫn còn đâỵ…

- Bài không tên số 3 : Yêu nhau cho nhau nụ cười, thương nhau cho nhau cuộc đời / Mà đời đâu biết đợi, để tình nhân kết đôi…

- Bài không tên số 4 : Khóc cho vơi đi những nhục hình, nói cho quên đi những tội tình / Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai…

- Bài không tên số 5 : Quấn quít vân vê tà áo, run run đôi môi mở chào / Tiếng nói thơ dại ngày đó, bây giờ mộng đời bay cao…

- Bài không tên số 6 : Đêm nay gió xôn xao, ngoài kia đã vang lời mưa chào / Chờ mộng ấp hơi nồng, tình lấp cho đầy hư không… (có lời 2).

- Bài không tên số 7 : Một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng, nâng sầu thành hơi ấm, / hơ dịu tình đau… (lời 2 là Bài không tên trở lại số 7)

- Bài không tên số 8 : Chiều thơm, du hồn người bềnh bồng / Chiều không, im gọi người đợi mong…

- Bài không tên số 9 : Ngày đến mang tin buồn. Thời gian theo về nguồn / Giọt nắng loe trong đầu. Bàn tay trơ đốt khâu…


Những Bài không tên lên đến số 37 rồi các số 40, 41, 42 và 50.



Những Bài Có Tên

Anh biến mất thôi
Biển vang lời mẹ nhắn
Cám ơn
Cánh chim xa vời
Cháy bỏng tình cố hương
Chị ơi
Đêm say
Đêm vàng trăng úa
Đừng yêu tôi
Em đến thăm anh đêm 30
Hai mươi năm làm tuổi trẻ
Hạt sầu
Hồn lạnh nắng phai
Lời tình buồn
Một lần nào cho tôi gặp lại em
Nếu tôi còn được yêu
Ngày mưa
Nhân bản 6
Sầu khúc
Thân cỏ hoa
Tình đã xa
Tình khúc thứ nhất
Trong tay nhau
Xa lạ
Xin cám ơn chàng những đêm không ngủ


Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012 
08 - Văn Cao

(1923-1995)




Tên thật là Nguyễn Văn Cao, gốc người Nam Định, sinh ngày15/11/1923, tại Lạch Tray, Hải Phòng. Vì nhà nghèo nên học tới lớp Bảy thì nghỉ học, xin làm sở bưu điện.

Vào năm 1939 (16 tuổi) ông sáng tác bài “Buồn Tàn Thu”. Năm 1940, ông sáng tác bản “Thiên Thai”, sau khi du ngoạn một chuyến ở Nam về. Bản Thiên Thai là một giấc mơ của người nghệ sĩ vào chốn an bình, mà người Việt khó đạt được trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ. Năm 1941, ông gặp Phạm Duy, Phạm Duy đã khuyên ông lên Hà Nội sống đời nghệ sĩ. Trong thời gian này ông sáng tác nhiều nhạc phẩm danh tiếng như “Trương Chi”, “Thu cô liêu”, “Bến Xuân”, “Suối Mơ”.


Vì mối giây liên hệ Gia đình căm thù Pháp nên Văn Cao đã theo Việt Minh dưới sự hướng dẫn và tuyên truyền của Vũ Quí.Vũ Quí đã nhờ Văn Cao soạn một bản nhạc quân hành cho trường quân sự Việt Minh, nên Văn Cao đã cho ra đời bản “Tiến quân Ca”, vào năm 1944.

Vào cuối Xuân năm 1945, Văn Cao đã có mặt trực tiếp tham dự vụ ám sát nổi tiếng, đó là vụ giết ông Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng, bị Việt Minh kết án là Việt Gian thân Nhật. Sau vụ ám sát, Văn Cao tạm lánh một thời gian để tránh mật thám Pháp và Nhật theo dõi. Sau này khi biết nạn nhân Đ.Đ.P là một nhà hoạt động yêu nước, thì Văn Cao lại ân hận và chỉ hoạt động cầm chừng cho Việt Minh thôi.

Trong cuộc biểu tình cướp chính quyền của Việt Minh ngày 19-8-1945 tại Hà Nội, Văn Cao đánh nhịp cho đoàn Thanh Niên Xung Phong hát bài "Tiến Quân Ca" của ông trước nhà hát lớn. Về sau bài này được chọn là bản quốc ca của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN.

Sau khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1946, Văn Cao được lệnh lên chiến khu Việt Bắc và tại đây ông viết bản trường Ca "Sông Lô" năm 1947, và gia nhập đảng CS Đông Dương năm 1948. Năm 1949 ông được lệnh viê't bản lãnh tụ ca, nhưng bản này ít được nhắc đến (kể cả phía CS).

Theo tài liệu Hoàng Văn Chí, năm 1952 ông đươc gởi đi Liên Xô để nghiên cứu thêm về âm nhạc, và cuộc xuất ngoại này làm Văn Cao thất vọng về thiên đường CS.

Năm 1954, khi chiến tranh đến hồi khốc liệt và thay vì viết về đề tài Điện Biên Phủ như các văn công CS khác thì Văn Cao lại về bày tỏ ý tưởng của ông qua một bức tranh sơn dầu lập thể. Bức tranh đó được mô tả như sau:

Một cậu bé thổi sáo bằng 2 cái mồm, một cái được vẽ từ cách nhìn thẳng, và 1 cái được vẽ bằng cách nhìn nghiêng. Đằng sau cậu bé, trên cái nền đông nghịt những con người trong 1 tiết tấu đầy chuyển động của nhịp chiến tranh.

Ý nghĩa của bức tranh được giới phê bình lý luận như thế này: "Bư'c tranh thể hiện đứa trẻ với 2 cái mồm, phải chăng hàm ý Đảng CS Đông Dương có hai miệng? ". Ý nghĩa thật của bức tranh chỉ có Văn Cao biết mà thôi.

Sau hiệp định Genève 1954, Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát Thanh, nhưng rất ít sáng tác. Một nghệ sĩ tài danh, say mê âm nhạc và sống với âm nhạc từ thuở nhỏ mà phải giữ mình không sáng tác thật là một khổ tâm khó nói.

Theo lời tác giả Nguyễn Thụy Kha, năm 1955, Văn Cao đã quyết định cầm bút lại sau 10 năm vắng tiếng (từ sau bài “ngoại ô mùa đông sáng tác vào năm 1945”). Qua bài thơ “Anh có nghe không” đăng trong “Giai phẩm mùa Xuân”, phát hành tháng 2-1956, người ta nhận thấy thơ của Văn Cao có lời lẻ rất buồn và chán nản.

Đặc san Giai Phẩm và báo Nhân Văn, là 2 tờ báo ở Hà Nội theo chủ trương đòi hỏi tự do báo chí và tư tưởng. Đặc san Giai Phẩm ra được 5 số, số đầu Giai Phẩm Xuân (tháng 2, 1956), đến số thứ 6 đang in thì bị tịch thu và bị đình bản vào giữa tháng 12-1956.

Như những văn nghệ sĩ có bài đóng góp cho hai tờ báo Nhân Văn Giai Phẩm, Văn Cao bị kỷ luật, phải tham dự khoá học tập chính trị vào năm 1958, và bị XD chỉ tri’ch qua bài viết “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”. Ông bị phê bình là “hai mặt, giả dối, dùng âm binh để chọi với Đảng”. Thế là Văn Cao bị loại trừ ra khỏi ban Chấp hành Hội Nhạc Sĩ sáng tác. Từ đó tên tuổi VC hầu như khg xuất hiện trên các tạp chí văn chương nghệ thuật ở Hà Nội. Ông sống âm thầm bằng đủ thứ nghề, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, và vẽ quảng cáo các báo.

Dầu rất ít sáng tác vào gần cuối đời ông, người nghệ sĩ tài hoa này cũng cho ra một bản nhạc vào cuối năm 1975, đó là bài “Mùa Xuân đầu tiên”, một bản hát rất nhẹ nhàng, êm đềm và rất tình người. Nhưng bản nhạc cũng bị phê bình là không đi đúng đường lối của Đảng, không phục vụ cho Cách Mạng, vì thế bản nhạc mới phát hành đã bị tịch thu. Tuy thế, các chương trình Việt Ngữ tại Moscow vẫn cho trình bày bài hát, nên bài hát đã không bị vào lãng quên.

Văn Cao còn là một họa sĩ. Ông đã dùng nghệ thuật này để nói lên tâm tư của ông mà không ai có thể đem ra phê bình chỉ trích gì được vì những bức họa của ông không được bày bán và lưu hành.

Văn Cao qua đời vào ngày 10-7-1995

Nguồn : http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/14881012 
 
________________
 
http://www.vietstamp.net/forum/       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm