28 thg 9, 2014

Hình xưa các loại XE GẮN MÁY TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975

CÁC LOẠI XE GẮN MÁY XƯA




http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-1.jpg

XE GẮN MÁY TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975


Có thể nói xe đạp và xe gắn máy là phương tiện di chuyển chiếm đa số tại miền Nam trước 1975 và cho đến nay, xe gắn máy vẫn là phương tiện di chuyển được nhiều người sử dụng nhất . Bài này xin nhắc lại một số xe gắn máy đã hiện diện tại miền Nam trước 1975.

Nói đến xe gắn máy thì chắc là mọi người sống tại miền Nam trước đây đều biết đến xe Mobilette. Vì Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên hãng Motobécane của Pháp, chế tạo ra chiếc Mobylette, đương nhiên là hiện diện trên thị trường Việt Nam. Nhưng nhiều người biết đến tên Mobylette hơn là Motobécane. Xe Mobylette ở Việt Nam có loại Mobylette vàng và Mobylette xanh. Cả hai đều dùng động cơ 49,99cc để được xếp vào loại vélomoteur, không cần bằng lái, nhưng Mobylette vàng thì nhỏ hơn, chỉ có ống nhún phía trước, http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-2.jpgcòn Mobylette xanh thì lớn, nặng hơn có ống nhún ở cả bánh trước lẫn bánh sau nên đi êm hơn và giá cao hơn .

Xe Mobilette xem chừng ra không thay đổi nhiều lắm qua nhiều năm. Xe Mobylette trong thập niên 1950 thân là những ống tuýp hàn lại. Qua thập niên 1960 thì thân làm bằng tôn ép. Màu sắc cũng ít thay đổi. Có lúc Mobylette vàng đổi thành Mobylette xám. Xe Mobylette được chế tạo để dễ sử dụng. Xe không cần sang số mà dùng embrayage automatique, vặn ga lớn thì xe chạy nhanh, vặn ga nhỏ lại thì xe chạy chậm và đứng lại. Khi muốn nổ máy thì chỉ cần đạp cho nhanh là xe nổ máy. Đạp hoài không nổ thì chỉ gần gạt môt cái chốt ở đĩa có dây couroie ăn vào động cơ để tách rời động cơ và bánh sau thì có thể đạp bộ về nhà.


Nếu có khi nào trong lúc bạn đạp xe đạp rồi nghĩ bụng sao không gắn một cái động cơ nhỏ lên xe đạp để khỏi phải đạp thì ý nghĩ đó đã có người nghĩ đến và chế tạo ra chiếc Vélosolex.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-3.jpg

Xe Vélosolex là một chiếc xe đạp có gắn động cơ lên bánh trước. Động cơ này làm lăn một cục đá tròn phía dưới. Khi người lái kéo cái cần trước mặt thì cục đá dở hổng lên khỏi bánh trước và có thể đạp như xe đạp. Khi đạp đến một tốc độ nào đó, hạ cần xuống thì tốc độ của xe làm cho động cơ nổ máy và động cơ kéo chiếc xe đi bằng bánh trước. Khi xe đã chạy ngon trớn thì người lái có thể rút chân lên miếng để chân nhỏ ở giữa xe mà ngồi một cách thoải mái. Từ một ý kiến rất giản dị phát xuất giữa thế kỷ 20, xe Vélosolex vẫn còn tồn tại qua đến đầu thế kỷ 21.

Vì cách sử dụng giản dị, trọng lượng nhẹ nhàng nên các xe Mobylette, Vélosolex thông dụng trong giới sinh viên, học sinh và phái nữ.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-4.jpg

Ở một hạng cao hơn là các xe scooter của Ý : Vespa, Lambretta. Các xe scooter này vì lòng máy lớn hơn 50 cc, nhỏ nhất là 125 cc hoặc 150 cc hoặc 200 cc tùy theo kiểu, nên không còn được xếp vào loại vélomoteur. Người sử dụng phải trên 18 tuổi và phải có bằng lái. Vì thế, những người đi xe Vespa, Lambretta thường là ở tuổi trung niên và có đời sống cũng tương đối khá vì xe scooter đắt hơn. Xe Vespa hàng chục năm nay không thay đổi mấy. Thân xe làm băng tôn ép. Có lẽ vì thế nên làm hình tròn như quả trứng để chịu lực tốt hơn. Máy được đặt ở chỗ phình bên phải, còn bên trái là ngăn để chứa đồ.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-5.jpg
Vì thế xe Vespa khi chạy hơi nghiêng về phía phải vì bên này nặng hơn. Xe Lambretta tuy trông bề ngoài giống Vespa nhưng cấu tạo lại khác. Khung xe bằng ống sắt hàn lại, máy đặt ở giữa khung và che bên ngoài bằng lớp vỏ sắt. Xe Lambretta hồi đâu thập niên 1960 có đường nét cong. Cuối thập niên 60, qua đầu thập niên 70 thì kiểu dáng thẳng, theo như mốt của thời đó, nên trông thanh nhã. Cả hai đều sang số bằng tay, bóp embrayage vào và vặn để đổi số.

Từ cuối thập niên 1950, miền Nam cũng nhập cảng các xe gắn máy Đức như Goebel, Sachs, Puch. Các xe này đều có chung đặc điểm là có bình xăng đặt trước người lái, sang số bằng tay, có ống nhún cả trước lẫn sau, và máy đều là 50cc để được xếp vào loại vélomoteur, không cần bằng lái. Mỗi xe lại có những đặc điểm riêng như máy xe Puch luôn luôn được bọc trong lớp vỏ bằng nhôm, có quạt chạy để làm mát. Như thế có lợi điểm là máy xe được làm mát ngay cả khi ngừng đèn đỏ. Vì là xe có sang số nên tuy chỉ có 50cc, xe gắn máy Đức có sức kéo mạnh hơn các xe Mobylette ở số 1, 2, nên cũng được dùng để kéo xe lôi, có thể kéo được thêm được bốn năm hành khách và hàng hóa phía sau. Hãng Puch và Sachs ngày nay vẫn còn tồn tại.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-6.jpg

Vào khoảng 1965 thì thấy nhắc đến tên Honda, với một số kiểu xe mới lạ xuất hiện. Một số xe Honda đầu tiên do người Mỹ mua đem sang Việt Nam để đi làm việc rồi khi họ về nước thì để lại, lọt ra ngoài thị trường người Việt mua được. Một trong những công dụng của xe Honda là các phi công Mỹ dùng để di chuyển giữa chỗ đậu phi cơ và doanh trại. Từ doanh trại ra chỗ đậu thường xa, đi bộ cũng mất vài phút đến vài chục phút. Có xe Honda phóng thì thu ngắn thời gian nhất là khi có báo động thì phóng xe Honda ra máy bay nhanh hơn là chạy bộ. Xe Honda S90 có lẽ là chiếc được ưa chuộng nhất trong số các xe Honda trước 1965 vì kiểu đẹp và máy mạnh, tiếng nổ ròn. Các kiểu xe kia là C110, S65 (thường được gọi là S50), P50, C50.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-7.jpg
Xe P50 có cấu tạo đặc biệt với máy nằm ở sát bánh sau và truyền động thẳng vào bánh chứ không qua dây xích. Cách đặt máy này có lợi là khỏi bị mất lực khi truyền qua dây xích và giảm bớt số bộ phận nhưng có khuyết điểm là xe dễ bị mất thăng bằng vì đầu nhẹ, đuôi nặng. Lại thêm khi đi xuống ổ gà vì không có ống nhún nên sức va chạm có thể làm vỡ răng cưa ở vành bánh xe. Xe Honda dame C50 trước 1965 có chiếc đã có bộ đề bằng điện, khỏi cần đạp. Trong khi chiếc Honda dame nhập cảng hàng loạt sau này phải đạp máy nổ bằng chân.

Chiếc xe Honda được chính thức nhập cảng để bán cho người tiêu thụ là xe Honda Dame năm 1965. Hãng Honda thì gọi là kiểu C50, nhưng mọi người thường gọi là Honda Dame. Có Honda Dame nhưng không ai gọi Honda Homme, mà gọi là Honda đàn ông. Những chiếc xe Honda Dame đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn thu hút được sự chú ý của người đi đường. Những ngày đầu tiên xe bán ra ngoài, trên các nẻo đường phố người ta nhìn thấy các chiếc xe Honda Dame màu đỏ hay xanh lá cây nhạt. Có người bị tắt máy xe, hý hoáy nhìn xuống chân vì chưa quen với cách sang số bằng chân. Sang lộn số có thể làm xe tắt máy. Khi thấy có một số người dắt xe Honda đi bên đường, có người nói hãng Motobécane của Mobilette thuê người dắt xe Honda Dame đi khắp các đường phố để người dân thấy xe Nhật dở, bị chết máy hoài, sợ không dám mua. Không biết là có đúng hay không. Một số người lúc đó nói là hàng Nhật không bền, chỉ vài năm là hỏng và tiên đoán rằng chừng năm mười nữa thì các xe gắn máy Pháp, Đức vẫn còn chạy, còn xe Nhật thì lúc đó vứt đi. Những người đó có lẽ căn cứ vào phẩm chất hàng hóa của Nhật trước thập niên 1960. Nhưng qua thập niên 1960, các hãng xe gắn máy Nhật đã trải qua những năm cạnh tranh khốc liệt trong nước. Vào đầu thập niên 1960, nhiều hãng xe gắn máy ào ạt ra đời tại Nhật, cuối cùng theo luật thư hùng đào thải chỉ có những hãng có khả năng cải tiến mới sống còn. Lúc xe Nhật sang Việt Nam cũng là lúc các hãng xe gắn máy Nhật bắt đầu tung ra thế giới với nhiều cải tiến làm cho phẩm chất xe Nhật vượt hẳn các xe Tây phương.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-8.jpg

Xe Honda Dame được làm để cho phái nữ đi nên dùng ambrayage tự động, khi sang số chân không cần phải bóp embrayage tay mà chỉ cần giảm ga. Các hiệu xe Suzuki Dame, Yamaha Dame cũng giống thế. Còn các xe gắn máy Nhật kiểu đàn ông được vẽ kiểu giống như những chiếc mô tô phân khối lớn ở chỗ không có pédale mà có cần đạp cho nổ máy, hai bên có thanh ngang để chân, bên phải là thắng chân, bên trái là cần sang số, embrayage tay trái, thắng trước tay phải, bình xăng phía trước. Các xe này còn giống mô tô ở chỗ hai bên bình xăng có hai miếng cao su để đầu gối áp vào cho êm. Điều đáng kể là yên xe thấp vừa với chiều cao người Á Châu khiến cho việc leo lên xe, chống xe dễ dàng hơn khi sử dụng các xe gắn máy Tây phương. Tay ga vặn nhẹ nhàng chứ không nặng như xe Tây phương. Máy đạp nhẹ nhàng và dễ nổ.  Nói tóm lại, các nhà chế tạo Nhật khiến cho các chiếc xe gắn máy sử dụng dễ dàng, tiện nghi hơn khiến cho người dùng thấy rất thoải mái khi đi xe.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-9.jpg

Sau chiếc xe Honda Dame là sự xuất hiện của Honda đàn ông 66 (SS50). SS là chữ viết tắt của Super Sport. Chiếc Honda 66 xuất hiện vào năm 1966, với màu đỏ hay đen, tay lái ngắn ngủn để người lái thu hẹp khoảng cách hai tay, giảm tiết diện cản gió, xe không có đèn signal, hộp số có năm số và có thể đạt đến tốc độ tối đa đáng nể là 90km/giờ đối với một chiếc xe máy 50 cc. Đó là một chiếc xe được vẽ kiểu với các đặc tính của xe đua. Tuy nhiên chiếc xe này không tiện dụng trong thành phố vì tay lái quá ngắn nên khó điều khiển.
 http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-10.jpg
Sang năm 1967, Honda sửa lại kiểu xe cho tay lái rộng hơn, hộp số có bốn số, sơn đen hoặc đỏ, có đèn signal, ống nhún trước có bọc cao su, tốc độ tối đa 90k/giờ. Kiểu xe 67 (SS50) đã đi vào lịch sử vì máy mạnh, chạy nhanh, được nhiều người ưa chuộng và có lẽ là được sử dụng nhiều nhất tại miền Nam cùng với xe Honda Dame. Về sau Honda có ra các kiểu khác nhưng Honda 67 vẫn được nhiều người biết đến nhất. Vì máy mạnh nên chiếc Honda 67 được dùng để kéo xe lôi thay cho các hiệu xe Đức trước đây.

Cả tứ đại gia của làng xe gắn máy Nhật, Honda, Yamaha, Suzuki, Kawasaki đều có mặt tại miền Nam lúc đó. Hãng Suzuki tung ra kiểu xe nam M15 và M12 và xe Suzuki Dame, M31. Hai kiểu xe nam đại khái giống nhau, dùng cùng một động cơ nhưng kiểu thể thao có ống pô vắt cao và vè trước ngắn để trông có vẻ thể thao hơn.

Hãng Yamaha có hai kiểu xe đàn ông, trong đó có kiểu YF5, và một kiểu Yamaha Dame. Xe Yamaha đàn ông kiểu đẹp, nhiều bộ phận xi bóng loáng. Yamaha Dame sơn màu xanh da trời, với đường cong dịu dàng, trông rất mỹ thuật. Các xe Yamaha xem ra không được ưa chuộng bằng Honda vì máy không mạnh bằng.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-11.jpg

Xe Suzuki Dame và Yamaha Dame đèn trước thấp hơn xe Honda Dame, trông vẻ nhu mì thích hợp với các cô mặc áo dài.

Kawasaki là hãng nhỏ nhất trong các hãng xe Nhật lúc đó, chỉ đưa sang một kiểu xe đàn ông. Xe Kawasaki chạy tuy tốt nhưng bị chê là nặng và máy yếu. Xe Kawasaki đem sang Việt Nam là kiểu dùng sườn của xe 80 cc, thay vào đó bằng động cơ 50 cc để được xếp vào loại vélomoteur, không cần bằng lái.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-12.jpg

Hiệu xe ít người nhớ đến có lẽ là Bridgestone. Bridgestone là hãng chuyên chế tạo vỏ bánh xe nhưng lúc đó cũng có một phân bộ chuyên sản xuất xe mô tô để đua. Kiểu Bridgestone đem sang Việt Nam năm 1966 có máy 65 cc. Vì thế xe Bridgestone vọt rất mạnh. Đặc điểm của Bridgestone là hộp số có bốn số quay vòng giống như các xe đua, nghĩa là sang đến số bốn thì nhấn thêm sẽ trở về số một mà không phải trả số ngược lại. Xe Bridgestone chìm vào quên lãng của người Việt khi phân bộ xe mô tô của hãng đóng cửa năm 1967 http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-13.jpg
vì lý do là nếu sản xuất xe đua thì các hãng xe gắn máy Nhật khác không muốn mua vỏ xe của hãng kình địch với mình trong các cuộc đua.

Không như các hãng xe châu Âu giữ các kiểu xe y nguyên nhiều năm, các hãng Nhật ào ạt tấn công thị trường Việt Nam với các kiểu xe mới ra mỗi năm. Qua 1968, Honda tung ra xe CL50. CL là chữ viết  tắt của Scrambler. Đó là kiểu xe được chế tạo để chạy các đường đất lồi lõm nên chỉ có bốn số, xe kéo mạnh ở số một và số hai, nhưng tốc độ tối đa kém xe Honda 67. Ống pô vắt cao để khỏi va chạm vào mô đất hay ngập nước. Qua 1969, Honda tung ra kiểu SS50M. Cũng dùng cùng máy và sườn như xe Honda 67 nhưng bình xăng dài hơn cho có vẻ thể thao. Qua năm 1970, Honda đưa sang kiểu CD50. Xe này cũng dùng cùng loại sườn và động cơ như SS50 nhưng bình xăng và hộp đựng đồ phụ tùng vẽ kiểu khác nên trông bề ngoài khác hẳn. Xe được chế tạo để chạy trong thành phố nên chỉ có bốn số với các số đầu kéo mạnh, thích hợp với cách chạy xe trong thành phố phải luôn luôn dừng lại đèn đỏ rồi lại bắt đầu vọt lên.

Cùng là kiểu SS50E, đến 1971, 1972, Honda tung ra kiểu xe với sơn đỏ metal và vè xi bóng, ghi đông cao kiểu sừng bò trông rất hấp dẫn. Honda thay đổi hình dáng bề ngoài thu hút thêm khách hàng mới. http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-14.jpg
Năm 1969, Suzuki cũng tung ra kiểu xe mới AS50 trông rất thể thao và rất đẹp. Ngoài các kiểu xe Honda chính thức nhập cảng, trên đường phố Sài Gòn thỉnh thoảng xuất hiện một số kiểu xe Honda lạ như Honda Monkey, nhỏ xíu như xe con nít, hoặc Honda CT50, CT70, với chữ T là viết tắt của Trail, loại xe Honda dùng để đi dạo chơi ở đồng quê, trên các đường mòn nhưng tại Việt Nam trở thành phương tiện để đi học, đi làm tuốt luốt.

Trong tất cả các loại xe Nhật, chỉ có Honda là dùng loại động cơ bốn thì, với xăng và nhớt chứa riêng còn các hãng kia dùng loại động cơ hai thì, chạy xăng pha nhớt.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-15.jpg

Với các đủ loại xe tung vào thị trường, đường phố miền Nam trở nên nhộn nhịp với các loại xe đủ màu sắc. Đường phố Sài Gòn náo nhiệt với các coureurs cúi rạp trên con ngựa sắt ra sức phóng, lạng, máy nổ ròn, đinh tai nhức óc. Đúng ra máy xe Honda chạy rất êm. Nhưng vì nhiều người đã tháo bỏ ốm tiêu hãm thanh gắn ở đầu ống khói nên máy nổ lớn. Ống này nhỏ như ống tiêu, với thân có đục nhiều lỗ, dài khoảng gang tay.
 http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-16.jpg

Chỉ cần tháo con vít nhỏ ở đầu ống khói là kéo ông tiêu ra được. Lý do tháo ốm hãm thanh là vì người dùng thấy xe chạy vọt hơn.

Sài Gòn nhiều xe hơn và cũng nguy hiểm hơn vì các xe Nhật đều chạy nhanh, vọt mạnh. Vì thế, một số phụ huynh lo ngại không muốn  mua cho con mình chiếc xe quá mạnh. Hãng Honda tung ra loại xe PC50, cũng dùng động cơ 50 cc nhưng không cần sang số, và không vọt mạnh như các loại xe có sang số. Tốc độ khi chạy nhanh cũng có thể đến 60 km/giờ. Xe PC50 là kiểu P50 cải tiến lại với động cơ đặt vào giữa cho xe được thăng bằng hơn và có nhún cả ở bánh trước lẫn bánh sau. Cách sử dụng xe PC50 cũng giản dị như xe Mobylette chỉ cần đạp nổ máy rồi vặn ga phóng đi.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-17.jpg

Hãng Motobécane cũng tung ra kiểu xe Cady nhỏ nhắn thích hợp với giới học sinh. Cái tên Cady có lẽ từ chữ Cadet, cho biết đây là kiểu em út trong gia đình Motobécane. Tuy cũng dùng động cơ 50 cc nhưng xe chỉ chạy được tối đa 40km/giờ. Chạy chậm có vẻ là một khuyết điểm của xe cộ nhưng đây lại là ưu điểm vì nó là lý do để các bậc phụ huynh chọn mua xe cho con mình để được an tâm hơn. Với khuynh hướng design nhiều màu sắc vào đầu thập niên 1970, xe Cady lúc đầu sơn nâu, hay xám, về sau sơn các màu xanh đỏ vàng sặc sỡ. Cùng với sự xuất hiện của mini jupe, đường phố Sài Gòn thấy xuất hiện xe mini Cady với hai bánh xe nhỏ trông rất xinh xắn,
 http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-18.jpg
đồng thời mini xe đạp cũng xuất hiện và các cô nữ sinh áo dài mini trông trẻ trung, tươi tắn tung tăng trên các loại xe mini đủ màu sắc.

Xa lộ Biên Hòa, ngày nay gọi là xa lộ Hà Nội, thời đó còn rất ít xe nên trở thành đường thử và đua xe gắn máy. Các loại xe gắn được đem ra chạy hết tốc độ vào giờ ít xe. Tuy không có tạp chí phê bình, điểm các loại xe gắn máy nhưng ưu khuyết điểm của các loại được truyền miệng rộng rãi. Các loại xe máy hai thì tuy có thể chạy nhanh nhưng khi chạy với tốc độ cao nhiều giờ thì máy bị yếu đi, vận tốc giảm đi. Chỉ trừ có xe Honda là được khen là càng nóng máy, càng chạy mạnh. Đúng ra chỉ có xe Honda sau 1965 mới chạy lâu không bị giảm tốc độ vì Honda cải tiến hệ thống phun nhớt, làm cho nhớt phun rất nhiều khiến cho khi máy nóng không bị sức ma sát làm giảm tốc độ
. http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-gan-may-19.jpg
Còn các loại  Honda S65, C110, tuy có thể chạy được đến tốc độ hơn 100km/giờ nhưng khi nóng máy thì cũng bị chậm lại.

Để tăng sức mạnh của xe, xi lanh được xoáy cho rộng thêm từ 50 cc thành ra 60 cc, 70 cc. Xe xoáy xi lanh chạy nhanh hơn, có thể đến hơn 100km/giờ nếu máy được chỉnh cho đúng.

Một trò chơi đánh cá thời đó của các yêng hùng xe gắn máy, gọi chệch từ chữ anh hùng vì đua xe là can đảm nhưng không phải là đáng khen, là lách dưới xe be. Xe be là xe kéo các xúc gỗ dài năm, bẩy mét. Một đầu khúc gỗ được cột vào xe vận tải phía trước, đầu phía sau gắn vào remorque sau, còn giữa xe vận tải và remorque sau không có gì ràng buộc. Chiều cao từ thân cây đến mặt đường chi hơn một mét. Các tay đua đánh cá xem ai dám lạng chui dưới gầm xe be từ bên này qua bên kia. Vì khoảng cách thấp nên không thể chạy thẳng đầu mà người lái phải lạng cho xe nghiêng đi thì mới đủ thấp mà chui qua. Nếu tính sai thời gian, người lạng có thể bị hai bánh sau chạy tới đụng và cán chết.

Xe gắn máy là phương tiện di chuyển, nhưng cũng là niềm say mê tốc độ của tuổi trẻ và sự hấp dẫn của màu sắc, kiểu dáng, tiếng nổ. Niềm say mê này đã ghi vào ký ức của nhiều người miền Nam lúc đó và tồn tại không phai nhạt với thời gian. Nó trở thành kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ lại giây phút dắt chiếc xe mới toanh đi về nhà và những ngày tháng rong ruổi trên những con ngựa sắt.

Phú Lê post 

Cám ơn Phú, rất hay đầy đủ hình ảnh. Đúng là “Một thời để nhớ”. Ai cũng nhớ kỷ niệm mình với những chiếc xe này mà ai cũng có thời chạy qua một vài chiếc trong những chiếc này. Như tôi thì đã qua xe đạp, qua Goebel, qua Puch đỏ, Yamaha đỏ 50 (xe này 2 thì, vọt mạnh sớm hơn Honda nhưng đường dài đi Vũng Tàu nóng máy thì chậm lại thua Honda đọan sau) của mình, Honda dame xanh khi mượn của em gái, Vespa xanh xám nhẹ khi mượn của ông già chạy thử vì lúc đó còn trẻ, chạy tưởng là người lớn công chức làm việc cơ quan.

Sau đó chiếc Honda đỏ 1968 tay cầm ngang vảnh lên, lớn cao hơn chiếc 1967 đen. Thích chiếc này chạy xa lộ Biên Hòa Bà Rịa Vũng Tàu hay Lái Thiêu Bình Dương, Cát Lái, Cai Lậy Định Tường, MỸ Tho Gò Công rất đã. Có chạy ngang qua vùng đắp mô, chiếc này chạy lên xuống ngon, đồi núi Long Thành Biên Hòa nghỉ chân Long Thành, Nhớ mình và nhớ mấy em luôn.

http://hoangnguyen1608.files.wordpress.com/2013/10/9-xe-may-1.jpg
Anh đi trên chiếc Honda,

Bên em là chiếc PC gọn gàng,

Em ơi em chẳng vội vàng,

Cùng anh tiệm nước bên đàng dừng chân,

 Để khen em đẹp dịu dàng,

Áo dài duyên dáng, khuôn vàng dễ thương,

Em làm vẻ đẹp phố phường,

Đường xe cộ chạy, ai thường nhớ mong,

Sài gòn Hòn Ngọc Viễn Đông,

Xe chạy tấp nập, phố phường đáng yêu.


************************************
Thêm vài điều bổ xung cho các loại XE GẮN MÁY TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975  mà Ròm nhận được từ FB .

  • Lua Culan Thấy Ròm lôi về một đống xe xưa, cũng thấy hoài niệm một thời, và cũng có một chút bổ xung thêm với Ròm :
    -Nói về Mobylette thì đúng là ở miền Nam chỉ nhập 2 loại là xanh là Motobécan deluxe bình xăng ở sườn giửa xe có ốp kim loại xi trắng sáng, có embrayage (bộ ly / tục kết) tự động, có phuộc nhúng (amortisseur) trước sau,bánh xe cỡ 18. Còn xe vàng là Motoconfort sườn chính chỉ có 3 ống tròn như xe đạp nên bình xăng để dưới yên ngồi, xe chỉ có phuộc nhúng trước ,cở bánh xe 19 và không có embrayage nên tới ngã tư đèn đỏ là tắt máy,đèn xanh lại phải nhóng lên khỏi yên mà đạp,cho đến 1960 thì cải tiến được sơn màu xám sườn giửa là ống dẹp thay cho 3 ống,và có embrayage.
    -Nói về Vélo Solex thì trước năm 60 sườn là một ống tròn đó là model S2000 trở về trước và không có embrayage nên khi đến đèn đỏ là phải với 1 tay lên kéo máy lên cho ống lăn không cọ vào bánh xe để máy không tắt, đèn xanh thì lại kéo máy ra khỏi móc để đè lên bánh xe, đến năm 60 thì model S2200 đã có embrayage tự động không cần động tác này nữa, đến S2400 thì sườn cải tiến là ống dẹp và cả bộ khung xe phía sau điều chỉnh được để, dễ dàng điều chỉnh Sên (chaine) đạp không cần phải mở 2 đai ốc tại đùm xe, bộ thắng cúng có núm vặn cuốn dây cáp (cable) để chỉnh 2 cục gôm thắng dễ dàng.


     Lua Culan tản mạn về xe xưa, cũng thú vị lắm, nói thêm xe Vélo cũng còn một yếu điểm nữa là tay ga không vặn tay cầm bên phải (boignet)như tất cả xe gắn máy khác ,mà phải đưa ngón tay cái để kéo một cái cần nhỏ để lên xuống ga, và không cải tiến cho đến khi ngừng sản xuất
    -Còn về xe Đức dù cho đủ thứ hiệu như Goebel, Ichia, đều gắn máy Sache, còn xe của Áo thì có như Puch, Béta thì gắn máy Puch, trước 60 thì xe gắn máy Sache chỉ có 47 cm3 và 2 số, sau 60 thì tăng lên 49 cm3 (vì từ 50cm3 trở lên phải có bằng lái xe khi sử dụng)
    Còn một điều này không nhắc đến là thiếu sót. Khoảng đầu thập kỷ 60 SàiGòn rộ lên phong trào đua xe gắn máy ,được tổ chức thường xuyên ngày chúa nhật ở SVĐ Quân Đội (cạnh Bộ Tổng Tham Mưu) phần lớn đều dùng xe của hảng Brumi gắn máy Sache, vì sườn nhẹ và thùng xăng lớn dựng đứng phía trước, nên có khoảng trống như xe Dame của Nhật, nên tay đua dễ ngồi thụp xuống núp gió để tăng tốc.
    Các bạn lớn tuổi chắc thời đó,tay đua thường về nhất là Trần văn Hai (Hai Tịnh),lại nhớ hồi đó cũng có vài tay đua nữ ngang ngữa với đàn ông, trong đó nổi bật nhất có lẽ là Bà Có ,bà chạy Mobylette vàng thỉnh thoảng cũng về nhất.

Thuần Nguyễn Một bài viết quá chi tiết về phương tiện giao thông trước 1975 . Riêng chi tiết e dè về xe Honda của Nhật , chị không rõ lắm, Chỉ nhớ là thời kỳ này , phải commande trước ( bây giờ dùng từ đăng ký ) rất nhiều tháng mới có xe.Thời này , ba chị chọn xe Bridgestone vì bị hấp dẫn bởi phương tiện đi lại quá " lý tưởng " này .Trong giai đoạn trên , tạp chí Tuổi Hoa đã có một truyện nhiều ký Tên tài xế Suzuki lý tưởng của nhà văn Minh Quân , đọc để nhớ lại thời Saigon ' choáng ngợp " trước làn sóng xe Nhật ồ ạt tràn vào thị trường miền Nam

Đọc thử bài viết về Mobylette,velo solex - Dòng moped đẹp ....coi họ viết như thế nào nha .
http://www.aquabird.com.vn/forum/showthread.php?t=23600

(VietNamNet) - Gọi họ là gì cũng được nhưng niềm đam mê tiếng bình..bịch... của Mobylette có lẽ chẳng bao giờ...
aquabird.com.vn
Xe đạp cổ Alcyon của Pháp thời đầu thế kỷ 19  ==> http://xedap.vn/.../showthrea.../54177-Xe-dap-co-alcyon-1900






Anh Nguyen Chinh cũng có bài viết về xe xưa ở đây 
http://chinhhoiuc.blogspot.de/.../sai-gon-ep-lam-sai-gon...

Anh Chính Cái xe màu đen trong hình theo tôi nghĩ đó là...
chinhhoiuc.blogspot.com|Von Ngoc Chinh Nguyen
Dang Nguyen Xe đạp Alcyon có gắn máy là cục đá lân bánh sau,velo solex lăn bánh trước đó Ròm
... Cuối thập niên 1950, Mobylette và Velo Solex đã phải nhường chỗ cho các loại xe của Ðức như Goebel, Puch, Sach với các tiện nghi như còi điện, ống nhún cả ở hai bánh và xe có thể chạy nhanh hay chậm bằng cách chuyển giữa 3 số. Tất cả những loại xe gắn máy này giá thường chỉ gấp ba chiếc xe đạp tốt hiệu Peugoet, Alcyon hay Dura nên giới trẻ thuộc các gia đình trung lưu đều có thể tậu được.


Louislyminhluan Nguyen Ông Gìa Tía Tui là người ái mộ chiếc xe Mobylette vàng ông rất kết nó lái chạy đi làm mỗi ngày... theo ông nói: Nó gọn ,nhẹ,ít hao xăng, dể lái....Mặc dù ông được Sở cấp một chiếc xe jeep bô bầu có tài xế đưa đón đi mần... hi hi




















1 nhận xét:

  1. Hoi do dau tien hoc lop 11 o truong St.Thomas thi chay chiec Suzuki M15, cho den khi dau Tu 2 thi duoc bo mua cho chiec Cl.50 doi 68.. Chay that da ,da co nhieu ban gai ngoi sau minh ,oi mot thoi thusinh mo mong......

    Trả lờiXóa

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm