18 thg 6, 2017

Clip xưa chợ Trương Minh Giảng .Sài Gòn 1971

Sài Gòn 71 ,clip xưa về chợ Trương Minh Giảng .
Chợ Trương Minh Giảng ,cầu Trương MInh Giảng và đường Trương Minh Giảng cũng như đường kết nối từ cầu TMG là đường Trương Minh Ký tới Lăng Cha Cả theo bản đồ xưa .

Vài lời còm kể chuyện xưa mà các anh chị đã sống vào thời trong clip xưa còn nhớ được :
-FB Nguyễn Như Thạch: Thời Pháp thuộc đường này mang tên Eyriaud des Vergnes (từ đường Trần Quý Cáp tức Võ Văn Tần ngày nay, đến đường ray xe lửa ). Năm 1955 đổi tên là đường Trương Minh Giảng (đến ranh giới tỉnh Gia Định) sau đó nó được mở rộng đến lăng Cha Cả, đặt tên đoạn từ ranh tỉnh Gia Định đến Lăng Cha Cả là đường Trương Minh Ký. Ngày 14/8/1975 nhập hai đường làm một và đặt tên là đường Nguyễn Văn Trỗi. sau ngày 4/4/1985 nó lại được cắt thành 2 đường : Lê Văn Sỹ (Kỳ Đồng đến Lăng cha cả) và Trần Quốc Thảo ( Nguyễn Thị Minh Khai đến Ký Đồng) như hiện nay.

-FB Thuần Nguyễn :Theo hình ảnh trong clip thứ hai , nếu chị không lầm , đây là chợ Trương Minh Giảng chứ không phải chợ Trương Minh Ký .Căn cứ vào tòa nhà ba tầng màu trắng bên góc phải ở đoạn mở đầu .Ngôi nhà này đối diện với chợ Trương Minh Giảng . Và hướng quay từ cầu Trương Minh Giảng, đại học Vạn Hạnh .Chợ Trương Minh Giảng đổi tên là chợ Nguyễn Văn Trỗi ( theo tên đường NVT trước đây đổi tên từ Trương Minh Giảng .
Đoạn clip thứ nhất , hình ảnh quá mờ .Tuy nhiên chị cũng kịp nhìn thấy phớt qua một cửa tiệm có địa chỉ với chữ cuối cùng là ...Giảng .Vậy chắc chắn đây là đường Trương Minh Giảng , chợ Trương Minh Giảng quận 3 chứ không phải đường Trương Minh Ký ( nay là đường Lê văn Sỹ thuộc quận 3, Phú Nhuận , Tân Bình )
Khi xem clip, chị đã vận dung tối đa trí nhớ của mình để nhớ lại những gì chị từng trải qua ở đất Sg trước 1975 . Từ cầu Trương Minh Giảng đổ về hướng ngôi nhà ba tầng màu trắng, có pharmacie Tịnh của cô giáo dạy Vạn Vật của chị năm lớp 10 . Ký ức đi từ ký ức . Chị khó thể quên khi tìm đúng chỗ khơi gợi ký ức của mình .
-FB Ta Lien :Đúng là chợ Trương minh Giảng như Nguyễn Thuần đã còm . Sau 1975 chị và các bạn xách chổi " lao động " dọc đường này .

.
++++++++++++++++++++++++++++++++
Ròm dùng bản đồ xưa Sài Gòn trước 75 để tìm lại hai con đường xưa đó là đường Trương Minh Ký và đường Trương Minh Giảng (theo bản đồ xưa ghi là Giảng chứ hổng phải Giản đâu nha ) 
Đường Trương Minh Ký mà Ròm thấy đươc thì bắt đầu từ Lăng Cha Cã đường 
Võ Tánh Xã Tân Sơn Hòa ngang qua Nhà Thờ Ba Chuông xuống tuốt luốt Phường Trương Minh GIảng quận 3 .....tới cầu gì đó hổng thấy ghi tên để nối tiếp với đường Trương Minh Giảng .

Thuần Nguyễn Từ Lăng Cha Cả đến giáp với đường Trần Quý Cáp, chỉ có một cây cầu là cầu Trương Minh Giảng , nay là cầu Lê văn Sỹ


Đường Trương Minh Giảng thì nối tiếp từ cây cầu gì đó hổng biết tên nối tiếp cho đường Trương Minh Ký ..... kéo dài tuốt xuống tới ngã ba Trần Quý Cáp / Trương Minh Giảng

Thuần Nguyễn Cầu nối tiếp là cầu Trương Minh Giảng , nay là cầu Lê văn Sỹ , đoạn kênh Nhiêu Lộc .


Saigon 67-68. đường Trương Minh Giảng phía trước chợ TMG 
dãy nhà cạnh chợ Trương Minh Giảng (nay là chợ Nguyễn Văn Trỗi)
 

Quán Ngọc Hương ,Đặt Biệt Cơm Dĩa 
FB Chu Thụy Nguyên Đây là góc phải cùng của chợ Trương Minh Giảng. Có một con đường bên hông chợ cách hông chợ và bên phải là nhà hàng bán cơm tên Ngọc Hương còn thấy rất rõ. Con đường hông chợ dẫn chạy vòng ra sau chợ trong đó có nhà cửa nhiều, có một ngôi nhà xảy ra một vụ án nổi tiếng khắp Sài Gòn thời bấy giờ là vụ ông Huỳnh Văn Định giết mấy đứa con bằng cách trấn vào lu nước rồi tự sát. Thời ấy gia đình tôi sống ở hẻm 220 Trương Minh Giảng bên hông đại học Vạn Hạnh chạy sâu đến mé sông, nhà nửa đất nửa sàn, nhìn xéo về bên phải thấy chùa Miên. Chúng tôi sống ở đó từ lúc đại học chưa cất, chỉ là một sân cỏ, chiều ra đó thả diều. Tiệm cơm Ngọc Hương là một tiệm cơm ngon, nổi tiếng với 2 món cơm chiên và cơm xào, nên món đồ xào hải sản ở đây cũng tuyệt. Thỉnh thoảng mẹ tôi hay sai tôi chiều đạp xe đạp qua Ngọc Hương mua 2 dĩa đồ xào về cho cả nhà ăn cơm. Ngôi nhà nghèo ở đây cũng là nơi tôi có những bài thơ, truyện viết ngắn đầu đời được đăng trên nhật báo và đi xe buýt ra tòa soạn ngoài Sài Gòn lãnh tiền nhuận bút. Thời ấy con sông Trương Minh Giảng chưa là kênh nước đen hôi thúi. Nước lớn, chúng tôi nằm trên sàn nhà hay vớt cá 7 màu lên nuôi. Mưa hôm nào thật lớn dầm dề và gặp lúc nước lớn, cá chốt và cá trê bị ngộp vì sông đục ngầu nổi râu lên. Ngồi trên sàn nhà dùng vợt vớt một lúc là có cá trê kho tiêu, cá chốt canh chua. Lúc nước ròng tôi thường lội xuống sình trước nhà bắt một hồi cả rổ cá bóng kèo. Thời đó các ghe lớn đi xắn từng tảng đất bùn từ nơi khác chở về vùng nầy bán như tôm tươi. Người có tiền họ mua tre đập dập vuông lại thành một ô chừng 3 hay 4 nền nhà rồi kêu ghe đất quăng đất lấp kín ô đó, thành một khu nhà lấn sông. Lâu dần hình thành khu nhà nửa đất ( là đất bùn mua từ ghe ) và nửa sàn ven kênh Nhiêu Lộc là như vậy.

Đường Trương Minh Giảng  phía trước chợ TMG (trái) và ĐH Vạn Hạnh (phải)

Saigon 1961 - Đuờng Trương Minh Giảng 
(nay là Lê Văn Sĩ và qua cầu TMG phía về SG là Trần Quốc Thảo)
Theo bản đồ xưa của anh Mạnh hải thì tên cầu là Cầu Trương Minh Giảng . Chợ Trương Minh Giảng ở gần cầu này


Ta Lien Dãy nhà lầu trắng là Đại học Vạn Hạnh .
Nguyễn Như Thạch Sau ĐH Vạn Hạnh có một ngôi chùa. Bên này cầu cũng có ngôi chùa Khmer rất đẹp ( Chùa Chantarangsay), nên xóm đó được gọi là xóm chùa Miên, tiếng tăm trong giang hồ ngang với cống Bà Xếp.
Chu Thụy Nguyên Đúng là tòa nhà cao màu trắng bên phải là đại học Vạn Hạnh, nơi đây hòa thượng Thích Minh Châu từng là viện trưởng. Nơi nầy cũng từng có mặt giáo sư thi sĩ đại tài Bùi Giáng giảng dạy. Trước khi trường Vạn Hạnh ra đời, nơi nầy từng in dấu chân bọn tôingày nào cũng bùn đất, nhất là mùa mưa đầy sình lầy bởi đa số bọn tôi là cư dân trong con hẻm 220 ngay bên vách phải của viện đại học, nghĩa là vừa xuống dốc cầu là quẹo phải vô hẻm. Buổi chiều sau giờ học bọn tôi hẹn nhau ra đó, nhóm thì thả diều, nhóm thì chia phe ra đá banh. Sau Tết Mậu Thân, đầu con hẻm 220 mọc lên một quán cà phê cóc, chủ quán là một phụ nữ mà sinh viên Vạn Hạnh ra đó uống mỗi ngày đã đặt tên cho quán là: " Quán cà phê Bà Vú ". Đi sâu vào trong hẻm 220 có một đền thờ nổi tiếng có tên là đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh. Đền thờ sâu trong hẻm, nhưng ngoài chân cầu Trương Minh Giảng vừa quẹo vô vài chục mét, người ta đã dựng một cổng lớn trên có ghi : Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh và địa chỉ. Những ngày lễ vía, con nít chúng tôi hay bu theo coi, trong đền, các tín đồ nam hay nữ đều vận quần lụa trắng, áo dài màu đầy hoa văn. Tượng quan lớn được kiệu ra đường, các tín đồ đều lên đồng, tay chân múa may đi theo hai bên kiệu, miệng họ nhai trầu bỏm bẻm, môi tô son đỏ chót dù là đàn ông. Điều mà mọi người từ già đến trẻ đều rất lý thú theo dõi đó là màn " xiên linh ". Những cây xiên bằng sắt nhọn được đâm thủng má bên nầy qua vòm họng trổ ra má bên kia, sau đó đầu xiên đâm vô một trái cau tươi. Càng lên đồng cao độ họ càng xiên ngọt sớt không thấy tỏ dấu đau đớn mà họ càng hăng nhảy múa, và cầm một cán xiên còn lại quay nên còn gọi là xiên quay. Màn nầy khi đó đối với con nít chúng tôi là rờn rợn, hơi sợ, nhưng lại thích bám theo đoàn để xem cho đến khi đoàn rước quan thánh trở về đền. Ai ở xóm 220 Trương Minh Giảng đều sẽ nhớ rõ chuyện nầy từng lên các tờ nhật báo. Từ chân cầu Trương Minh Giảng đi vào, nghĩa là từ đầu hẻm 220 vô vài trăm mét sẽ có một ngã ba. Đi thẳng thì luồn vào xóm nhà nghèo của chúng tôi nửa đất nửa sàn. Còn quẹo trái ngay ngã ba thì vô đền quan lớn tuần tranh. Ngay tại ngã ba bên phải có một trụ đèn sắt lớn. Tối tối bên dưới ánh đèn là một xe phở khói bốc nghi ngút, một dạng phở bình dân cho người đói ban đêm như dạng xe mì gõ sau nầy. Xe phở gồm 2 cha con bán, cha lo nấu, đứa con trai là cậu Bình lo bưng khắp xóm cho khách. Bình dạo đó nhỏ hơn 17 tuổi, bạn thân của Bình là cậu Phằng, cậu nầy nhà ở xóm trong với tôi, khi đó nhỏ hơn tôi 4 tuổi. Đêm đó cậu Phằng gác nhân dân tự vệ nên tay cầm khẩu garant M1. Sau khi đi vô xóm trong tuần tra, Phằng trở ra ngã ba gặp Bình đang đứng rảnh. Hai đứa giỡn nhau , Phằng giơ cây garant kêu Bình giơ tay đầu hàng không tao bắn. Bình nhất định không giơ. Tiếng nổ đoanh như xé màn đêm, viên garant xé tan lồng ngực Bình, Bình gục xuống giãy một lúc rồi chết. Ngày mai trên tờ trắng đen, ký giả đăng tựa bài bào như sau : " Đêm qua, cậu Phằng bắn cái " pằng ", cậu Bình té cái " ping ". " Phằng sau đó ngồi tù, nhà nó rất nghèo. Sau 75 nó đi thanh niên xung phong, và hiện nay nghe nói đã qua đời lâu rồi. Còn một chi tiết cuối cần viết ra đây là ai cũng biết đến trưa ngày 30 tháng 4 là miền Nam bị thanh toán xong, nhưng không ai biết đêm 29 tháng tư rất đông đảo sinh viên băng đỏ và học sinh trường Lý Tự Trọng của cộng sản được họ ém vô ngủ đông nghẹt trong Vạn Hạnh để trưa hôm sau khi toàn miền Nam đầu hàng, lực lượng dân sự mang băng đỏ mũ tai bèo nầy tràn ra khắp nơi ở Sài Gòn cùng bộ đội chiếm giữ mọi công sở, trường học , chùa, nhà thờ của miền Nam. Nhân đọcNam Ròm, ký ức của cư dân một thời hẻm 220 Trương Minh Giảng bỗng quay về.
Trong bức ảnh bên trên, sỡ dĩ có đông cảnh sát dã chiến ngăn chận , và phía chợ Trương Minh Giảng đốt vỏ xe, nếu không lầm, năm đó Phật Giáo chùa Ấn Quang xách động khắp nơi phật tử kéo bàn thờ ra đường.






Trường Trương Minh Giảng 

Trước chợ TMG .


Ta Lien  . Đây là bài của bạn nói về đường Trương minh Ký , Trương minh Giảng :
Đường Trương Minh Giảng ,tên Tây là Amiyo des Vergne,bây giờ là Lê Văn Sĩ 


Tướng Trương Minh Giảng -một người văn võ song toàn, là công thần bậc nhứt của nhà Nguyễn,quan bảo hộ Trấn Tây Thành ,là tổng tài quốc sử giám.



Thời thập niên 50 ,Sài Gòn chỉ chạy tới mé cầu Mới tức cầu Trương Minh Giảng là hết . 



Đường Trương Minh Giảng này xuất phát từ ngã ba Trần Quý Cáp chạy thẳng xuống tới mé kinh Nhiêu Lộc là xong . Bên kia cầu là Sở Rác của Đô Thành và thuộc tỉnh Gia Định, thời đó chỗ này còn hoang vắng lắm, chưa có chợ Trương Minh Giảng,



Cuối đường dưới dốc cầu có một cái chùa Miên duy nhứt trong Đô Thành. 



Đi đường Trương Minh Giảng qua bên kia, khi qua khỏi Cầu Mới, bên tay mặt, đâm ra một con đường tên Trương Tấn Bửu,sau 75 là Trần Huy Liệu. Trương Tấn Bửu là phó tổng trấn Gia Định thành 



Bên phía tay mặt là một xóm nhà lá khá sầm uất, có cả một cái chợ chồm hổm nơi đó, tục gọi là chợ Bà Y.



Qua cầu ,tiếp Trương Minh Giảng là đường Trương Minh Ký bắt đầu tại chợ Vườn Xoài 



Thế Tải Trương Minh Ký là cháu của tướng Trương Minh Giảng,là học trò của Trương Vĩnh Ký,ông là nhà báo, nhà giáo . nhà văn hóa lớn của Việt Nam, đóng góp trong việc truyền bá và phát triển văn học Quốc Ngữ Việt Nam



Sau 1954 người di cư Bắc Kỳ 54 đã định cư dọc theo đường Trương Minh Ký,những Sở Rác,ao rau muống,đất sình lầy đã mọc lên nhà cửa đông đúc

Thuần Nguyễn Có một chi tiết chưa đúng :-) ..đường Trương Minh Giảng qua khỏi cầu Mới, bên tay mặt đâm ra một con đường tên TRương Tấn Bửu sau 1975 là Trần Huy Liệu . Thật ra , bên tay mặt chính là đường Trần Quang Diệu có từ trước 1975 .Giáp ranh với đường Trần Quang Diệu ( vi trí của bệnh viện An Sinh ngày nay ) mới chính là đường Trương Tấn Bửu chạy từ đây cho đến đường Quân Sự . Sau 1985 , đường Trương Tấn Bửu đổi tên là Trần Huy Liệu

Culan Ly Hồi tui bắt đầu học lớp năm (Lớp1) trường Trương minh Ký năm1959-60, phải học tạm bên trường Tôn thọ Tường để trường TMK xây mới 1 lầu, đến niên học 60-61, thì tất cả nam sinh phải chuyển qua trường TMK mới xây xong, và đổi tên là Nguyễn thái Học, còn nử sinh vẫn trường cũ và đổi tên mới là Phan văn Trị (lúc đó có đọc báo nói là dư luận phản đối tên trường Tôn thọ Tường, vì là người hợp tác với thực dân.)
Tom Nguyen Thanks bạn Culan Lý! (Y) Dzậy bạn là nhân chứng cho tui! Trước kia tui có nhắc tên trường Trương Minh Ký và Tôn Thọ Tường, vậy mà bị còm "phản bác" là SAI! Thực ra bạn đã từng học ở nơi nầy, cho mãi đến sau niên học 1960-61, TMK mới được đổi tên thành Nguyễn Thái Học (và trường tiểu hoc Nữ Tôn Thọ Tường đổi thành Phan Văn trị). Cá nhân tôi, sau cuộc "Ri cư" 54, dân "BK rau muống 9 nút", được hân hạnh học nhờ trường tieu hoc Trương Minh Ký (trường sở cũ một tầng) có 2 năm (55 & 56)!

 Sài Gòn 67-68 - cầu Trương Minh giảng

Kênh Nhiêu Lộc – trên cầu Công Lý nhìn về phía cầu Trương Minh Giảng, toà nhà cao là ĐH Vạn Hạnh

Cầu Trương Minh Giảng xưa

Trương Minh Gỉản Street - Sài Gòn 1967/69

Saigon 1966 - Đường Trương Minh Giảng, Q3 và phía trước là đường Trương Minh Ký, Q. Phú Nhuận, tỉnh Gia Định
Đây là khúc giao lộ giữa đường Trương Minh Giảng, Quận 3 và đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận, Gia Định. Người chụp hình đứng khoảng trước nhà th
ờ Vườn Xoài.
Nhìn kỹ bên kia đường (chỗ chiếc xe gắn máy đang dựng) quý vị sẽ thấy mốc ghi :Ranh đô thị Sài Gòn. Mấy cái ống cống được chuẩn bị cho chương trình Chỉnh trang Đô Thị, vì khu vực nầy khi mưa lớn thường hay bị ngập cho đến quảng rạp hát Minh Châu.
Bên tay trái qua khỏi xe nước ngọt và chỗ chiếc xe jeep nhà binh là hẽm vào giáo xứ Bùi Phát. 
Con đường nầy là một phần trong cuộc đời của tôi
(Lời còm của Đinh Nguyễ bên trang của anh Mạnh Hải )

Saigon 1966 - Đường Trương Minh Giảng - Gác chuông nhà thờ Vườn Xoài
Lan Doan cho Vườn Xoài là bản doanh của LM hốt rác Phan khắc Từ.T ư đẩy qua cho Trương minh Giảng ,Tân sa Châu .Tân sơn nhì ,Tân sơn nhất,hot rác nhiều nhất là cho Trương minh Giảng.

Đường Trương Minh Ký và Trương Minh Giảng. Phía trên cùng khoảng giữa là BV Dã Chiến 3 và SVĐ Quân Đội. Góc dưới bên phải nhìn thấy nhà thờ Vườn Xoài với tháp chuông bằng gỗ bên phải đường Trương Minh Giảng.
..... con đường chính trong hình trên là Trư
ơng Minh Ký (thuộc tỉnh Gia Định) nối tiếp với đường Trương Minh Giảng (thuộc Q3, Đô thành Saigon). Ngày nay hai đường nhập chung đổi thành Lê Văn Sỹ ở phía bên này cầu Trương Minh Giảng (tên mới là cầu Lê Văn Sỹ), phía bên kia cầu đổi là Trần Quốc Thảo. Ở khoảng 1/4 phía trên đường này là nhà thờ Ba Chuông và trường Thánh Thomas, nay là trường Phú Nhuận (có thể nhận ra bức tường màu hồng mặt tiền nhà thờ và tháp chuông là một vệt mờ ở phía trước.(Anh Mạnh Hải còm )

Saigon 1966 - Nhà thờ 3 Chuông đường Trương Minh Ký

............

1 nhận xét:

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm