(Tác giả NgocAnh Truong )
Cư xá đêm mưa , ngày, tháng, năm 197…
Anh Trâu Điên yêu dấu
Khi viết năm chữ nầy, trái tim em đập những nhịp bất thường, ngón tay cầm viết cũng run rẫy.
Nhà trên rất yên lặng, chỉ còn mình em ngồi đây. Bàn học với một ngọn đèn neon tỏa màu xanh dịu dàng. Trước mặt em là tấm hình đen trắng nằm trên mặt giấy trắng tinh của cuốn nhựt ký nhỏ, in rõ từng đường nét một người lính đứng oai dũng. Chiếc nón sắt bao lưới ngụy trang gắn đầy lá cây, bộ đồ lính rằn ri mang nét hoa rừng. Treo lủng lẳng trên dây lưng trái lựu đạn, ba lô đeo vai rất lớn nhìn thấy được dù hình chụp từ phía trước, một tay cầm cây súng dài, tay áo sắn lên rất cao, để lộ cánh tay to, gân guốc rắn rỏi, đôi giày sauts cao ống mà em nhớ rất rõ hôm ba chụp tấm hình nầy dính đầy bụi đất màu nâu đỏ, chứng tỏ những Trâu Điên mới từ vùng cao rừng núi về thành phố .
Anh Trâu Điên biết mà, tấm hình nầy chính tay ba em đã chụp cho anh, rửa ra giấy Kodak từ phòng tối chỗ làm của ba, phòng Giảo nghiệm Tổng Nha Cảnh Sát Quốc gia, vào năm Mậu thân khói lửa đen ngút làm ãm đạm cả bầu trời Saigon.
Em nhớ rất rõ buổi sáng sớm đó, đất trời còn u u một ngày đầu năm Mậu thân , những ngày còn Tết , nhưng không khí nhuốm mùi chiến tranh , một cái Tết hãi hùng của dân thủ đô Saigon vốn an lành. Gia đình em đã chạy tản cư qua nhà bà ý Út gần chợ Bến Thành mấy hôm trước đó, vừa mới trở về Phú Lâm.
Em nhớ , khi đoàn lính bước những bước chân mạnh dạn trên con đường ngang qua trước cửa nhà em, giấc sáng sớm trong khu cư xá Phú Lâm A thì cả nhà em đều đã thức. Ba mở cửa, thấy đòan lính đi ngang, vội trở vô nhà, sửa sọan cái máy ảnh rồi trở ra, chạy theo đoàn quân đang tiến bước, với đầy đủ vủ khí như một chuẩn bị đánh nhau. Em sợ sệt, đứng trong nhà nhìn hé qua cửa sổ thấy Ba đi theo và chụp hình . Ngày hôm sau thì ba mang hình về nhà , trãi từng tấm hình đã chụp lên bàn ăn. Em đứng kế bên ba ngó theo.
Tự nhiên Ba cầm một tấm hình nhỏ, ngắm nghía, rồi đưa cho em , nói:
-“Hình nầy đẹp quá, muốn giữ hông con"” .
Em cầm lên, nhìn thấy …anh .
Tấm hình ba khen đẹp quá, em đã ép trong cuốn nhựt ký nhỏ, dấu kín, giữ cho riêng em mà thôi. Những ngày sau đó, đoàn quân lá rừng còn đóng quân trong cư xá, hể rảnh rỗi giây phút nào, là anh tới nhà em, ngồi nói chuyện với Ba. Một già, một trẻ, coi tương đắc lắm. Sau đó, em nghe Ba nói với Má:
- “Đó là Tiểu đoàn 2 , Thủy Quân Lục Chiến , Trâu Điên, đánh giặc giỏi lắm đó mình”.
Hai chữ “Trâu Điên” nghe rất lạ. Cho nên lần nào anh tới nhà, em cũng chú ý nhìn huy hiệu trên tay áo , ngực áo trận của anh , để thấy hình Trâu điên đó.
Anh không biết em đâu, là vì lúc đó em còn nhỏ lắm, chỉ là một cô gáiù rất nhỏ, luôn thắt hai bính tóc thả phía trước, đang học trường Gia Long năm đệ lục. Những lần anh tới thăm ba, em luôn thập thò bên trong, nhìn anh, người lính trong tấm hình ba đã cho em.
Rồi một ngày, Ba nói với Má:
- “ Trâu Điên đi rồi , chắc yên rồi đó mình”.
Lúc đó là tháng hai, sau Tết ta có mấy ngày thôi.
Cư xá tự nhiên thấy buồn bã, lạnh tanh và thiếu vắng. Không biết những Trâu điên đã đi đâu". Những ngày Tết trôi qua, trong lo sợ khi những tin tức xấu đưa lại từ những cuộc tấn công Huế, Nha Trang , rồi Saigon . Tin tức rất xấu cho biết nhiều người đã bị chôn sống, bị bắt đi mất tích ở Huế, ngay tại thủ đô, không khí Tết đã mất dạng. Trường Gia Long chưa mở cửa lại cả tháng tiếp theo sau Tết, nên em vẫn còn ở nhà suốt thời gian những cuộc tấn công của cộâng sản vô thành phố đã bị dẹp tan nhưng để lại nhiều đổ nát và khăn tang.
Sau ngày “biết Trâu Điên”, em thường đọc báo của ba, để tìm Trâu Điên ở đâu trên bước chinh chiến" . Trước đó em có bao giờ để ý tới tin chiến sự.
Em thường lấy hình anh ra coi sau mỗi lần đọc báo đó, lòng luôn nhớ anh.
Anh Trâu Điên.
Tháng năm năm Mậu thân nầy, việt cộng lại tấn công thủ đô lần thứ hai.
Lần nầy, chúng đã đặt bộ chỉ huy ngay tại cư xá Phú Lâm A trong một căn biệt thự chúng đã chiếm đóng. Vài ngày trước đó hỗn loạn lắm. Mấy chị em leo lên gát , trèo lên nóc nhà ngồi để nhìn thấy khói lửa bốc lên đâu miệt Chợ Lớn. Ba lấy máy ảnh, chụp hình khói lửa, và hình mấy chị em đang ngồi trên nóc nhà , ba chỉ tay nói máy bay trực thăng đang bắn rockets .
Buổi sáng hôm đó, sớm lắm, đã nghe tiếng hỗn loạn kinh hoàng , việt cộng trong xóm nhà lá bắn đùng đùng nhiều tiếng súng nổ, người chạy, lửa cháy. Ba chỉ kịp chụp cái máy quay phim, máy chụp hình đeo lên cổ, kêu má thu dọn chút đồ, đưa tụi em ra trú đở ở nhà Thờ Cha Hoàng, rồi ba hối hả chạy vô xóm trong để chụp hình. Máy phóng thanh đâu đó không biết đang kêu gọi dân tản cư . Trực thăng bay quần quần trên bầu trời cư xá nhiều lắm.
Anh Trâu Điên, lúc đó anh đang ở đâu"
Tụi em chạy qua Nhà Thờ cùng với rất đông dân chạy giặc cả cư xá lẫn xóm nhà lá phía trong. Giữa những tiếng rêu réo nhau rất kinh hoãng của cả dân cư xá tản cư , thì Ba em lại lo mặc cái áo giáp, chuẩn bị máy chụp hình, mang theo cả máy quay phim, chạy ngược hướng, đi vô chỗ việt cộng đang đặt bộ chỉ huy. Ngồi trước sân nhà Thờ , hai chị em run rẫy lo sợ cho ba.
Anh Trâu Điên ơi.
Buổi sáng hãi hùng đó, em chưa kịp nhìn rõ mặt Ba. Em phải ngừng viết, vì nước mắt em đã tuôn tràn không thở được.
Buổi sáng hãi hùng đó không có đoàn quân Trâu Điên, Ba em đã đi luôn.
Không, Ba có trở về nhà anh Trâu Điên ơi, bằng thể xác còn nóng hổi, máu còn chảy tràn ra linh láng, thấm ướt hết áo quần em. Hai chị em yếu đuối đã vác xác Ba về.
Ba chết vì hai viên đạn bắn xuyên người, hai cánh tay bị trói ngoặc ra sau. Máy chụp hình máy quay phim đều mất theo với mạng sống của Ba em.
Sau những ngày đó, gia đình đã chôn cất ba , mấy bác trên Tổng Nha CSQG đã giúp đở lo liệu rất nhiều.
Em luôn nghĩ tới anh trong lo sợ sau cái chết của Ba.
Có khi em oán trách, sao Trâu Điên không tới cứu dân lành như Trâu Điên đã tới lúc chúng nó tấn công Saigon lần thứ nhứt """ Em tức tối . Ba em hiền quá, tại sao chúng giết Ba" Ba chụp hình, chỉ để cho con cháu biết thãm họa chiến tranh.
Trong ngày ba em bị thảm sát, đoàn lính Biệt Động Quân tới chiến đấu anh dũng và giữ an dân trong thành phố.
Nhưng Ba em thì đã chết!
Chúng bắt và giết Ba vì cho rằng ba là phóng viên chiến trường. Những tên việt cộng bận quân phục chính qui Bắc Việt màu vàng, mặt mày non nớt đó hầu hết đều đã chết ở mặt trận Chợ Lớn.
Em nghĩ, Ba em sẽ tha thứ cho họ.
Anh Trâu Điên .
Anh đã trở lại cư xá Phú Lâm thăm Ba vào mấy tháng sau, gần cuối năm Thân, trong một kỳ Tiểu đoàn 2 về hậu cứ dưỡng quân. Hôm đó, em có mặt ở nhà. Anh bước vô nhà em, tươi cười như một người thân trong gia đình.
Má em khóc, chỉ hình Ba trên bàn thờ.
Em nhớ, mắt anh tối sầm, sững sờ.
Anh đốt nén nhang cắm lên bàn thờ ba em, vái thật lâu như thì thầm với Ba. Anh đã ngồi lại, nói chuyện với má rất lâu, rất nhiều. Đứa cháu nhỏ của em bò trên sàn nhà chơi, thỉnh thỏang ngước khuôn mặt bầu bỉnh thiên thần nhìn người lớn. Anh nhìn theo thằng nhỏ, nói:
-“Con nít sướng quá, đôi mắt nó trong veo chưa thấy gì hết “ !
Má em hỏi :
-“Chừng nào cháu lấy vợ " “
Nghe anh nói:
-“ Cháu đi lính mới biết mạng sống người lính như chỉ mành trong lửa đạn, cháu đâu dám lấy vợ, khổ cho người ta” .
Má hỏi thăm và nghe anh nói hai trận Mậu Thân tiểu đoàn Trâu Điên hy sinh nhiều, dù sau đó đã nhận được Bảo Quốc Huân Chương.
Em vẫn lấp ló bên trong, không dám ra chào, mặc dù em nhìn thấy anh hằng ngày trên tấm hình Ba đã cho em. Em chưa một lần nói chuyện với anh, nhưng quen thuộc lắm anh Trâu Điên. Nhìn anh, em lại nhớ Ba em.
Anh Trâu Điên ơi,
Anh không hề biết có một cô gái nhỏ đã mang hình ảnh của anh hiên ngang trong tâm tưỡng, đã theo dõi anh, từng bước quân hành trên báo chí . Tim em thót đau mỗi khi biết được Trâu Điên đang chiến đấu trên trận địa nào, chiến công hào hùng bao nhiêu, mất mát bao nhiêu. Em đã chảy nước mắt , thầm cầu mong cho anh không biết sống chết ra sao" Cầu anh linh Ba theo phù hộ các anh TQLC Trâu Điên .
Mỗi lần đọc tin chiến sự, em thấy mình già thêm biết bao nhiêu. Những lần đó, em đều lấy tấm hình anh ra nhìn, nhìn mãi, theo em cả trong giấc ngủ hình ảnh anh Trâu Điên với lá rừng trên nón sắt.
Lá thư nầy em đã viết mà không bao giờ gởi, vì em đâu biết anh Trâu Điên đang ở nơi nào, trên mảnh đất chiến tranh đầy thống khổ của dân tộc Việt Nam mình.
Em viết lá thư nầy, như một nhu cầu yêu thương dành cho anh Trâu Điên, người bạn trẻ của Ba, Hình ảnh Ba và anh Trâu Điên luôn gắn liền nhau, trong lòng em. Em giữ lá thư không gởi trong cuốn nhựt ký nầy.
Cầu chúc cho anh mọi sự bình an
Ghi chú của người viết
Tấm hình Trâu Điên yêu dấu đã theo cô gái suốt bảy năm dài.
Như một định mệnh rất tàn khốc, tấm hình anh Trâu Điên đã ở lại VN vào một ngày cuối tháng tư, năm 75 khi cô gái chạy trốn khỏi nước cùng má và các em. Lá thư nầy ép trong cuốn nhựt ký đã mất cùng với tấm hình trên đường lưu lạc. Nay viết lại trong chập chùng luyến nhớ và gởi tới KBC Hải Ngoại trong thời gian kỷ niệm ngày Quân Lực VNCH tháng sáu, và ngày TQLC Cọp Biển, Cọp Rừng họp mặt nhau tháng bảy, với lòng mong mõi người anh Trâu Điên nay vẫn còn sống sót đâu đó sau cơn hồng thủy tơi bời, biết rằng trên mặt đất nầy, vẫn còn có một người luôn nhớ tới anh Trâu Điên ngày xưa.
Cô gái Phú Lâm A Chợ Lớn Saigon Mậu Thân 1968.
Bài này của chị NgọcAnh Trương , rinh về từ https://vietbao.com/a102235/nguoi-yeu-trau-dien cùng với một vài hình ảnh của chị Tím (FB NgocAnh Truong ) gởi cho Ròm .
****
Bài này Ròm post bên FB Nam Ròm .
https://www.facebook.com/notes/ Nam Ròm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm