I/ Nguồn gốc và ý nghĩa của tên Sài Gòn
Trong "Ðại Nam Quốc Âm
Tự Vị" của ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài tức là củi thổi, Gòn: tên loại cây
cỏ bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn
nệm. Về địa danh Sàigòn thì Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị ghi: tên riêng của đất
Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé.
Ðịnh nghĩa Sàigòn của
quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị cho ta thấy rằng tên Sàigòn trước đây dùng
để chỉ vùng Chợ Lớn hiện nay, còn vùng mà ta gọi là Sàigòn hiện nay thì
trước đây lại gọi là Bến Nghé. Ðiều này được xác nhận nhờ hai người Anh
là Crawford và Finlayson đã đến vùng này năm 1922. Cứ theo lời những
người này thuật lại thì Sàigòn và Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết
là Bingeh hay Pingeh) là hai thành phố phân biệt nhau và cách xa nhau độ
1 hay 2 dặm, Bến Nghé là nơi đồn binh và đạt cơ quan chánh phủ, còn
Sàigòn là trung tâm thương mãi và là nơi cư ngụ của người Hoa kiều và
các thương gia (tài liệu của Bulletin de la Société des Etudes
Indochinoises tức là Tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2).
Vậy, Sàigòn và Bến Nghé là hai thành phố phân biệt nhau và có hai tên
khác nhau đàng hoàng, nhưng đến khi người Pháp chinh phục ba tỉnh phía
đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sàigòn để chỉ đất Bến Nghé cũ, mà họ
dùng làm trung tâm hành chánh, vì Bến Nghé là một tiếng khó cho người
ngoại quốc phát âm hơn Sàigòn. Người Việt Nam bắt buộc phải theo họ mà
gọi Bến Nghé là Sàigòn, còn vùng trước đó gọi là Sàigòn thì được gọi là
Chợ Lớn theo một cái tên mà sử gia Phan Khoang trong bộ Việt Sử, Xứ Ðằng
Trong, cho là dường như đã có từ đời vua Gia Long.