Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...
Liên kết với FB Nam Ròm để xem Hình Xưa Mời các bạn xem thêm Hình Xưa mà Ròm post mới trên mạng Net FB trước khi post vào Blog này .

18 thg 5, 2012

Ði ăn mì chỉ cá ở Chợ Lớn (nhớ Sàigòn xưa)

Trần Tiến Dũng/Người Việt

Trên đường đi ăn món mì chỉ cá Chợ Lớn, người bạn cùng đi hồi tưởng, “Nhớ hồi trước biến cố 1975, mỗi lần bị bệnh, bà ngoại tôi mua mì chỉ nấu cho ăn, bà nói. Cơ thể yếu, ăn mì chỉ cá dễ tiêu, mau hết bệnh.”
 
 Một xe bán mì chỉ cá, cháo cá còn sót lại ở Chợ Lớn.
(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
 

Tiệm mì chỉ cá nằm ở góc đường Hậu Giang-Cao Văn Lầu đã dời vô phía trong đường Cao Văn Lầu. Con đường này ngày nay thưa vắng người, khác với xưa kia khi chợ đầu mối rau quả còn lúc nào cũng nườm nượp người, xe thâu đêm suốt sáng.
Chiếc xe mì chỉ cá đã được thay bằng chiếc xe nhôm tân thời. Nhưng mà thôi! Cái chuyện ngồi xe hủ tíu ăn mì Tàu để ngắm nhìn những bức tranh tráng thủy kể tuồng tích Trung Hoa đã xưa xa lắm rồi. Có khi người ta nói một món ngon không thể thiếu chuyện ngon con mắt, nhưng người ta cứ nhắm vào chuyện trang trí món ăn ngon mắt trên dĩa, tô, chén chứ không hề biết đến món ngon cần một không gian văn hóa xuất xứ của món ngon.
Ngồi vào bàn, người bạn chúng tôi ban đầu không muốn ăn vì ngờ rằng đây không phải là tiệm mì chỉ cá do người chủ cũ nấu. Nhưng khi nhận ra người thợ nấu, cái anh chàng người Tiều này trước kia chỉ là người phụ việc bây giờ đã là chủ, bạn tôi hết ngần ngại, kêu cho mình một tô.
Người phụ nữ phụ việc mà chúng tôi đoán rằng chính là vợ của anh chủ tiệm mì. Cô này khoe, “Cả vùng này chỉ có nó biết nấu mì chỉ cá, không tin đi kiếm coi.” Tất nhiên là chúng tôi tin, vì sau nhiều năm tháng rong ruổi khắp Sài Gòn-Chợ Lớn, chúng tôi chưa thấy tiệm mì chỉ cá nào.

Sợi mì chỉ mỏng như sợi chỉ khâu và từng miếng cá gộc thơm ngon là đặc trưng của món ngon này. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chỉ sau 5 phút, hai tô mì được bưng ra. Thật kỳ lạ, cái cọng mì chỉ trụng nước sôi chừng đó mà không rã, không nhũn, lúc nằm trên tô nghi ngút khói, từng cọng mì cứ rõ ràng như một cuộn chỉ may màu trắng ngà. Mì chỉ được nấu với cá gộc, loại cá biển nhưng không hề có mùi tanh. Dù muốn tìm hiểu về bí quyết làm mì chỉ và nấu mì chỉ để thỏa tính tò nhưng đâu có dễ.
Ông chủ tiệm mì nói: “Mấy đứa con chú tôi, tụi nó đi nước ngoài làm nghề khác, ổng chọn tôi để truyền nghề. Chú tôi có sáu chục năm bán mì chỉ, giờ tới tôi cũng mấy chục năm rồi.”
Có khi một chủ tiệm ăn tự hào về thâm niên bán món ngon, thì nhiều thế hệ người ăn cũng tự hào vì nhớ mãi không quên cái vị ngon họ đã được thưởng thức. Gắp một đũa mì, chỉ hút một cái rột không cần nhai, gắp một miếng cá gộc mềm, thơm, béo chấm vào dĩa xì dầu pha giấm sẽ cảm nhận được hết cái vị ngon riêng biệt của mì chỉ cá. Nhiều người cho rằng, nêm gia vị nhiều có thể làm biến dạng món ngon nhưng với mì chỉ cá có thể thêm ớt tươi, hành lá hoặc thêm nhiều tiêu xay nhưng một tô mì vẫn không hề mất đi vị riêng biệt.
Vì sao nhiều món ăn của người Hoa Chợ Lớn ngày nay mất dần vị ngon riêng biệt đặc trưng. Nhiều người giải thích do nhu cầu thị hiếu của đa số thực khách người Việt mà món ăn Hoa phải thay đổi. Lúc ngồi ở tiệm mì chỉ cá, quan sát chung quanh chúng tôi thấy hiếm có khách ăn người Việt mà đa phần là người Tiều, chính nhờ thế mà mì chỉ cá ít thay đổi vị ngon nguyên gốc. Nói rộng ra là chuyện chìu theo thị hiếu thường là sai và dở. Trong một thành phố đa văn hóa nhập cư như Sài Gòn-Chợ Lớn, việc giữ gìn vị ngon nguyên gốc của món ăn không phải là chuyện bảo tồn mà chính là làm phong phú, thăng hoa đa vị ngon của văn hóa ẩm thực.
Người khách ăn cạnh bàn chúng tôi, ông già này sau khi trổ một tràng tiếng Tiều với ông chủ quán, bèn nhìn qua bàn chúng tôi. Trong ánh mắt của ông lộ vẻ rất tự hào khi thấy chúng tôi hít hà khen món mì chỉ cá ngon quá.
Chúng tôi nghĩ, có khi chẳng cần đi du lịch ở xứ Tây, xứ Tàu, cứ vòng vòng ăn rong ở xứ Ta, và khi bắt gặp người khác chủng tộc hít hà khen món phở ngon, chúng tôi cũng tự hào y như ông già người Tiều vậy. Thế nên, hãy nấu nướng và phục vụ món ngon sao cho ngon riêng biệt theo đúng cách Sài Gòn-Chợ Lớn có, thì bất kể món ngon xuất xứ từ đâu cũng sẽ trở thành niềm tự hào hãnh diện của người và đất Sài Gòn.
++++++++++++++++++++
Bài này Ròm rinh qua từ căn nhà bên Multiply 
http://namrom64.multiply.com/journal/item/60

1 nhận xét:

  1. Những tư liệu quý giá.
    Những hồi ức một thời tràn ngập trong tôi.
    Cảm ơn Bạn Nam

    Trả lờiXóa

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm


Những bài đăng trong tầng lầu này