Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...
Liên kết với FB Nam Ròm để xem Hình Xưa Mời các bạn xem thêm Hình Xưa mà Ròm post mới trên mạng Net FB trước khi post vào Blog này .

22 thg 4, 2013

30 tháng 4 .... Tổ Quốc Ghi Ơn

Tổ Quốc Ghi Ơn


38 năm kể từ ngày 30.4.1975, niềm uất hận tưởng chừng như phôi pha, nhưng không, vẫn luôn canh cánh bên lòng...suốt chặng đường dài vừa qua nhân dân VN không bao giờ quên được sự hy sinh cao cả của các Tướng lãnh, Sĩ Quan và quân nhân các cấp thuộc quân lực VNCH với trách nhiệm BẢO QUỐC AN DÂN trong không khí Tự Do của hai nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà.

Những ai đã chết vì sông núi
Sẽ sống muôn đời với núi sông

Cám ơn anh những ngưòi chiến sĩ VNCH, đã hy sinh đời trai cho cuộc chiến chống xâm lăng của bọn CSVN. Nhân mùa Quốc Nạn 30.4.2013, người viết xin được ghi lại những nét hào hùng của các chiến sĩ Quân Lực VNCH đã tuẫn tiết trong những ngày chót của cuộc chiến, để không rơi vào tay giặc. Các anh đã hiên ngang đi vào hồn thiêng sông nuí!

CÂU CHUYỆN TUẪN TIẾT Đặng sĩ Vinh Thiếu tá BTL CSQG30/4/1975 tự sát cùng vợ và 7 con:

Vào khoảng đầu năm 1974, Thiếu Tá Vinh, vợ và 7 người con dọn về sinh sống ở một khu bình dân, ngoài ngoại ô vùng Sài Gòn.

Theo một người hàng xóm cho biết. Và sau một thời gian rất ngắn, gia đình của Th/Tá Vinh được sự thông cảm, và quí mến của bà con lối xóm. Người con trai đầu lòng của Th/Tá Vinh chừng 30 tuổi, Tr/Uy Quân Y, sau khi tốt nghiệp trường Dược (Pharmacist Of medical School), và người con gái út khoảng 15 tuổi.

Gia Đình của Th/Tá Vinh là một gia đình sung sướng, hạnh phúc, nếu Sài Gòn đừng có rơi vào tay bọn Cộng-sản miền Bắc. Theo lời kể lại của hàng xóm về chuyện Th/Tá Vinh, người nắm một chức vụ trong Bộ Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn. Chừng 2 giờ chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng, thì bà con xung quanh kề cận với gia đình Th/Tá Vinh, nghe vài tiếng súng nổ, xuất phát từ trong nhà của Th/Tá Vinh.

Sau khi thấy không còn nguy hiểm, thì những người lối xóm bước vô trong nhà của Th/Tá Vinh. Họ đã chứng kiến Th/Tá Vinh, vợ, và 7 người con nằm kế bên nhau, trên một chiếc giường, tất cả đều đã chết, do thương tích từ viên đạn xuyên qua thái dương.

Kế bên là bàn ăn, là bữa ăn rất tươm tất. Kế đó là 9 cái ly uống nước trên bàn, mối cái ly đều có dấu vết tích để lại một chất bột màu hồng, đọng lại dưới đáy mỗi cái ly. Có lẽ đây là thuốc ngủ, mà trước đó Th/Tá Vinh đã cho mỗi người trong gia đình uống.

Sau đó tử tự bằng súng lục Colt45. Một cái tủ sắt đã mở sẵn, Th/Tá Vinh đã để lại vài trăm ngàn đồng tiền mặt, tương đương chừng $500 US dollars, cùng với một bức thư ngắn, do chính tay Th/Tá Vinh viết: “Bà Con mến, Mong Bà Con niệm tình tha thứ cho gia đình chúng tôi, bởi vì chúng tôi không muốn sống dưới chế độ Cộng-sản này. Nên chúng tôi đã chọn cái chết, và chính cái chết đó, có thể đem lại sự buồn phiền đến với bà con. Xin nhờ bà con báo tin này đến người chị (em) của tôi tên là ..., ở ..., và dùng số tiền này, để lo chôn cất cho gia đình chúng tôi. Xin đa tạ Đặng Sĩ Vinh”.

DANH SÁCH NHỮNG QUÂN NHÂN QUÂN LỰC VNCH ĐÃ TỰ SÁT TRONG NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Đất nước Việt Nam anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Những đấng tiền nhân tiên liệt đã vị quốc vong thân. Phận làm con cháu chúng ta cần ghi nhớ công đức! đó mới gọi là hiếu nghĩa vẹn toàn.

1- Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cựu tư lệnh Quân Đoàn II 30/4/1975
2- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn IV 30/4/1975
3- Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh phó Quân Đoàn IV 30/4/1975
4- Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, tướng tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh 30/4/1975
5- Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh 30/4/1975
6- Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh- khóa 16 Đà Lat. 31/3/1975 tự sát tại Quy Nhơn
7- Đại Tá Lê Câu, trung đoàn trưởng 47 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Tự sát ngày 10/3/1975
8- Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn (bào đệ của Trung Tướng Lê Nguyên Khang). 30/4/1975
9- Thiếu Tá Không Quân Nguyễn Gia Tập, đặc trách khu trục tại Bộ Tư Lệnh KQ. Tự sát 30/4/75 tại BTLKQ
10- Trung Tá Nguyễn Văn Long CSQG 30/4/1975 tự sát tại công trường Lam Sơn, Sài Gòn
11- Trung Tá Nguyễn Đình Chi Phụ Tá Chánh sở 3 ANQĐ - Cục An Ninh Quân Đội. Tự sát 30/4/1975 tại Cục An Ninh
12- Trung Tá Phạm Đức Lợi, phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh P2/ Bộ TTM 30/4/1975
13- Trung Tá Vũ Đình Duy, trưởng Đoàn 66 Đà Lạt 30/4/1975
14- Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, trưởng Đoàn 67 Phòng 2 Bộ Tổng Tham m ưu. Tự sát ngày 30/4/1975
15- Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tự sát ngày 28/4/1975 cùng vợ, 2 con và cháu (bằng súng)
16- Thiếu Tá Đặng Sỹ Vĩnh, trưởng Ban Binh Địa P2 Bộ TTM, sau biệt phái qua Cảnh Sát 30/4/1975 tự sát cùng vợ và 7 con
17- Thiếu Tá Mã Thành Liên (Nghĩa), tiểu đoàn trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu- khoá 10 Đà Lạt. 30/4/1975 tự sát cùng vợ
18- Thiếu Tá Lương Bông, phó ty An Ninh Quân Đội Cần Thơ- Phong Dinh. Tự sát ngày 30/4/1975
19- Thiếu Tá Trần Thế Anh, đơn vị 101. Tự sát ngày 30/4/75
20- Đại Úy Vũ Khắc Cẩn, Ban 3, Tiểu Khu Quảng Ngãi. Tự sát 30/4/1975
21- Đại Úy Tạ Hữu Di, tiểu đoàn phó 211 Pháo Binh Chương Thiện. Tự sát 30/4/1975
22- Trung Úy CSQG Nguyễn Văn Cảnh, trưởng cuộc Vân Đồn, Q.8. Tự sát ngày 30/4/1975
23- Chuẩn Úy Đỗ Công Chính, TĐ 12 Nhảy Dù. Tự sát ngày 30/4/1975 tại cầu Phan Thanh Giản
24- Trung Sĩ Trần Minh Trần Minh, gác Bộ Tổng Tham Mưu. Tự Sát 30/4/1975
25- Thiếu Tá Đỗ Văn Phát, quận trưởng Thạnh Trị Ba Xuyên 1/5/1975
26- Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc, tiểu đoàn trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa 29/4/1975
27- Trung Tá Phạm Thế Phiệt 30/4/1975
28- Trung Tá Nguyễn Xuân Trân, Khoá 5 Thủ Đức, Ban Ước Tình Tình Báo P2 /Bộ TTM. Tự sát ngày 1/5/75
29- Trung Tá Phạm Đức Lợi, Phòng 2 Bộ TTM, khóa 5 Thủ Đức, học giả, nhà văn, thơ, soạn kịch…bút danh: Phạm Việt Châu, cựu giảng viên SNQĐ, trưởng phái đoàn VNCH thực hiện HĐ Paris tại Hà Nội. Tự sát tại nhà riêng ngày 5/5/1975
30- Đại Úy Nguyễn Văn Hựu, trưởng Ban Văn Khố P2/Bộ TTM. Tự sát sáng 30/4/75 tại P2/Bộ TTM
31- Thiếu Úy Nguyễn Phụng, CS đặc biệt, 30/4/1975 tại Thanh Đa, Sài Gòn
32- Thiếu Úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái, khoá 5/69 Thủ Đức. 30/4/1975 tự sát tập thể cùng 7 lính Nhảy Dù tại Ngã 6 Chợ Lớn.
33- Trung Úy Đặng Trần Vinh (con của Thiếu Tá Đặng Sĩ Vinh), P2 BTTM. Tự sát cùng vợ con 30/4/1975
34- Trung Úy Nghiêm Viết Thảo, An Ninh Quân Đội, khóa 1/70 Thủ Đức. Tự sát 30/4/1975 tại Kiến Hòa
35- Thiếu Úy Nguyễn Thanh Quan (Quan Đen), phi công PĐ 110 Quan Sát (khóa 72). Tự sát chiều 30/4/1975
36- Hồ Chí Tâm B2, TĐ 490 ĐP ( Mãnh Sư) TK Ba Xuyên (Cà Mau). Tự sát bằng súng M16 trưa 30/4/1975 tại Đầm Cùn, Cà Mau
37- Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 tại Vũng Tàu
38- Thượng Sĩ Bùi Quang Bộ, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu
39- …………………………….. và còn rất nhiều rất nhiều tấm gương sáng của những người anh hùng quân lực việt nam cộng hòa.

*****Danh sách này do một cựu SVSQ khoá 3/73 Thủ Đức sưu tầm từ những tư liệu không được đầy đủ, cần có một cơ quan nào đó làm việc cập nhật bản danh sách các anh hùng của QLVNCH để được đầy đủ và chính xác nhằm lưu danh cho hậu thế.

Nhìn lại hàng ngũ quân đội trên thế giới, có quân đội nào bất hạnh hơn QLVNCH ? Trong lúc mọi người đang tưởng niệm về ngày 30.4.1975, thì đã có không biết bao nhiêu người hiện nay, đang sống thản nhiên khắp các nẻo đường hải ngoại, mà hầu hết bản thân họ hay con cháu, hôm qua vẫn sống nhờ sự bảo bọc của người lính VNCH, họ cố tình quên đi qúa khứ để được vinh thân phì da, quên đồng đội, quên những những người chiến hữu từng sát cánh ngày nào trên khắp các chiến địa....Thật xấu hổ cho những loại người nầy!

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người đang dấn thân tiếp tục chiến đấu liên tục cho ngày quang phục quê hương. Họ vẫn luôn nghĩ tới những người xưa đã VỊ QUỐC VONG THÂN, họ đã vì DANH DỰ và TRÁCH NHIỆM của một quân nhân quân lực VNCH.... Chúng tôi kính phục họ, chúng tôi hãnh diện vì họ, họ đang sống những ngày đáng sống trên các phần đất tạm dung. Họ chính là những quân nhân ưu tú của quân lực VNCH.

Một điều rất may mắn nữa là hầu hết người Miền Nam, xưa nay vẫn biết ơn người lính năm nào, nhất là sau ba mươi tám năm qua, đã biết hết cảnh đổi đời oan nghiệt. Giờ đây xin mọi người hãy dành một nén hương lòng cho những người anh hùng của quân lực VNCH đã anh dũng ra đi trong những ngày cuối của cuộc chiến. Họ đáng cho chúng ta được tôn vinh và đời đời nhớ ơn...

Anh hùng có tử... nhưng khí hùng luôn luôn bất tử.
Kính dâng lên linh hồn các anh những nén hương của tuổi trẻ hậu duệ VNCH nhân mùa quốc hận 30.4 năm nay.

Nguyen Thi Hong, 29.3.2013
Quốc Ca Việt Nam Cộng Hoà Và Phút Mặc Niệm


The Seven Samurai in VietNam
là tựa đề một bản tin của hãng thông tấn Nhật bản Kyodo News ngày 30 tháng 4 năm 1975 ghi nhận lại phút chót của những anh em Nhảy Dù. Khi giờ đau thương đã điểm, ngày 30-04-1975, là lúc QLVNCH bị bức tử, người lính bị bẻ gãy súng bởi chiến lược toàn cầu của Mỹ thay đổi. Bảy người lính Dù mà trưởng toán là thiếu úy Hoàng Văn Thái tụ họp tại một bùng binh trong Chợ Lớn, và họ chọn lựa sự buông súng trong danh dự khi tự kết liễu đời mình sau khi hát xong bài quốc ca VNCH, họ xếp thành vòng tròn, mỗi người tay trong tay một quả lựu đạn, mở chốt một lượt. Một tiếng nổ chát chúa tiễn biệt họ ra đi trong danh dự.
 
6- Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh- khóa 16 Đà Lat. 31/3/1975 tự sát tại Quy Nhơn.

Thanh Gươm Bí Mật

Khoảng tháng 5, 1970 đơn vị tôi hành quân vùng đồn điền Chup thuộc tỉnh Kompong Cham, Kampuchia. Các đơn vị tham chiến tại đây gồm có môt Chi Đoàn M-113, một Tiểu Đoàn BĐQ, và một Trung Đoàn Bộ Binh. Từ cuối năm 1969 đến giữa năm 1971, đơn vị chúng tôi đi đi, về về rất nhiều lần từ Việt Nam đến tỉnh Kompong Cham.

Tại đây, chúng tôi đã đụng với khoảng một Tiểu Đoàn VC. Chúng chiếm một làng nhỏ, có vài căn nhà và một chùa Miên, nhưng dân đã di tản đi hết. Chúng đào hầm rất kiên cố. Chúng tôi phải dùng tất cả hỏa lực cơ hữu cùng một lúc để tiến chiếm mục tiêu, cán lên những miệng hầm và quăng lựu đạn xuống. Sau nhiều giờ giao tranh, chúng tôi đã làm chủ chiến trường. Những căn nhà đổ nát, chùa Miên bây giờ chỉ còn là một đống gạch vụn.

Địch để lại nhiều xác chết cùng chiến lợi phẩm. Một anh tài xế M-113 lấy được một khẩu súng K-54 và một thanh gươm rất đẹp, được cột trên vai của một xác VC, những nét điêu khắc trên bao kiếm bằng gỗ quí rất sắc sảo. Anh mang về xe, cột thanh gươm vào chung với những nòng súng đại liên 50 và 30 ở vị trí bên hông trái cạnh tài xế. Vài ngày sau đó, trên đường đi hành quân, xe M-113 của anh cán lên một trái mìn chống chiến xa, anh bị chết tại chỗ vì mìn nổ đúng ngay vị trí đặt thanh kiếm.Trưởng xa và các xạ thủ đại liên văng xuống đất, bị thương nhẹ. Một điều rất lạ là những nòng súng đại liên cột chung với thanh gươm đều bị cong hết, nhưng thanh bửu kiếm kể cả bao bằng gỗ còn y nguyên, không hề hấn chi!

Ông Chi Đoàn Trưởng lấy thanh bửu kiếm về để trong xe ông. Những ngày sau đó, Chi Đoàn bị đánh đặc công. Việt Cộng quăng Beta (lựu đạn nội hóa của VC) vào xe, làm ông bị thương ngay bàn chân, may mắn không chết.

Ông Trung Đoàn Trưởng cùng Tư Lệnh Sư Đoàn bay vào thị sát mặt trận. Vì CSBV nhìn thấy Trực Thăng đáp xuống vị trí đơn vị tôi nên chúng pháo kích. Hai ông vào xe chỉ huy tránh pháo thấy bửu kiếm đẹp quá, ông Trung Đoàn Trưởng liền xin về. Một thời gian ngắn sau đó, ông Trung Đoàn Trưởng bị đổi về trường Cảnh Sát ở Thủ Đức với một chức vụ ngồi chơi xơi nước.

Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ đến tham dự lễ bàn giao Trung Đoàn Trưởng. Sau buổi lễ bàn giao, Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ cùng các Sĩ Quan than mưu tham quan Trung Đoàn. Ông Trung Đoàn Trưởng tặng bửu kiếm cho Trung Tướng Đỗ Cao Trí mang về treo trong văn phòng Tư Lệnh Quân Đoàn. Vào khoảng tháng 3, 1971 Trung Tướng Đỗ Cao Trí tử thương vì chiếc trưc thăng chở ông bị nổ tung. Tháng 4, 1972 Tướng Lâm Quang Thơ đổi về trường Võ Bị Đà Lạt, Đại Tá Lê Minh Đảo về làm Tư Lệnh Sư Đoàn.

Sau khi Trung Tướng Đỗ Cao Trí bị tử thương, phu nhân Trung Tướng mới đem bửu kiếm lên trường Võ Bị Đà Lạt và nói rằng bửu kiếm này sẽ được tặng cho người nào trong khóa 16 VBĐL vinh thăng Chuẩn Tướng đâu tiên.Thanh Bảo Kiếm được lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Trường Võ Bị Đà Lạt.

Thiếu Tá T., tùy viên của Tướng Trí sau đó có lên đơn vị tôi hỏi thăm về thanh gươm bí mật này, vì ông cũng tình cờ nghe được chuyện này từ một anh lính trong đơn vị chúng tôi. Ông cũng có dịp qua đồn điền Chúp, tỉnh Kompong Cham tìm hiểu về nguồn gốc của bửu kiếm này. Ông nói là đầu tiên một anh lính BV lấy thanh gươm này trong một chùa Miên thuộc tỉnh Kompong Cham. Ông còn nói rằng có tờ Nhật Báo ở Sài Gòn đăng về thanh bửu kiếm. Tờ báo kết luận rằng thanh kiếm này là một Bảo kiếm có từ lâu đời được thờ trong Chùa của người Miên, mỗi khi ai là sở hữu chủ nó mà không có duyên, sẽ bị tai nạn thảm khốc. Sau ngày 30-4-1975 không ai biết thanh gươm bí mật này vào tay ai!

(Quý vị nào biết thêm về bửu kiếm này, xin vui lòng bổ túc.)

Hieunguyen11


Năm 73 khi đang theo học khóa Tham mưu Trung cấp của KQ tại Nha Trang chúng tôi được đưa lên ĐàLạt thăm viếng trường VBQG và nơi đây tôi có nhìn thấy thanh bảo kiếm nầy và bộ lể phục trắng của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí và có lời ghi của phu nhân cố Đại Tướng là thanh gươm nầy sẽ được trao cho một cựu SVSQ khóa 16 được thăng cấp tướng trước nhất. Lúc đó tôi nghĩ ngay đến hai vị Đại Tá Thông và Thiều của SĐ22BB.

thienbang
 
Những Cánh Đại Bàng Sau Cơn Bão Lửa



Mùa hè Cali có những cơn mưa bất chợt. Riêng buổi chiều nay dù ngoài trời chói chang nắng hạ nhưng trong lòng tôi mơ hồ như đang ngập những cơn mưa. Trước mặt tôi hôm nay là những cánh đại bàng đã phải trải qua một cơn bão lửa. Cái hình ảnh bi tráng ấy thực sự đã gây trong tôi bao điều cảm xúc.

Tôi được một người đàn anh, cũng là cấp chỉ huy của tôi ngày trước, mời đến tham dự Buổi Họp Mặt Khóa Võ Bị Đà Lạt của anh. Buổi họp măt được đặt tên: Bảy Mươi Tuổi Đời – Năm Mươi Tuổi Lính. Chỉ mới nghe qua cái tên thôi, cũng đủ cảm thấy ngậm ngùi. Bởi ở tuổi bảy mươi, liệu các anh còn được gặp lại nhau bao nhiêu lần nữa, để cùng nhắc nhớ một thời trẻ trung, trận mạc. Thời mà hầu hết các anh đã từng là những cánh chim đại bàng xoải cánh trên các trận chiến hào hùng, oanh liệt, nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận một kết cuộc tức tưởi, oan khiên.

Cách đây năm mươi năm. Buổi sáng ngày 11.11.1960, hai trăm mười người trai trẻ, xếp bút nghiên chọn đời binh nghiệp, nhập học Khóa 17 VBQGVN. Vì nhu cầu chiến trường, họ đã ra trường sớm hơn dự định. Chỉ sau các niên trưởng Khóa 16 ba tháng. Ngày 30.3.1963, đúng một trăm tám mươi Tân Thiếu Úy tốt nghiệp, hành trang văn võ song toàn, như những cánh chim non rời tổ với đôi cánh sẵn sàng thử thách trước phong ba, theo những mũi tên từ chiếc cung của vị thủ khoa Vĩnh Nhi, bay đi khắp bốn phương trời lửa đạn.

Hôm nay, sau bao vinh nhục, thăng trầm, những chàng trai trẻ ấy giờ đã trên dưới bảy mươi. Từ khắp nơi qui tụ về đây với những mái đầu đã bạc. Nếu không phải vì cái tình đồng môn Võ Bị, có lẽ hầu hết đều đang sống lặng lẽ ở đâu đó, như những cánh đại bàng sau cơn bão lửa, xếp mảnh tàn y giữ lấy cho mình một chút hào khí ngày xưa, dư âm của một thời tung hoành ngang dọc, sống chết cùng đồng đội anh em, để tạm quên bớt phần nào đau đớn từ những vết thương không lành được trong lòng.

Gặp lại nhau, gọi tên nhau mừng rỡ. Ngỡ mình như những chàng sinh viên sĩ quan trai trẻ, ngày nào đứng trên đỉnh Lâm Viên với hào khí ngút trời. Nhựng rồi sau khi hướng về lá Quốc Kỳ cùng hát bài Quốc Ca năm xưa, tất cả đều thấy lòng chùng xuống. Bởi còn có một điều gì đó làm họ đau đớn hơn vết thương trong lòng họ: Quê Hương và Bạn Bè đã mất. Chương Trình được bắt đầu bằng Buổi Lể Tưởng Niệm Truyền Thống Võ Bị, tưởng nhớ và tạ tội cùng Núi Sông, đồng đội, đặc biệt những đồng môn Võ Bị đã hy sinh, mà họ đã chưa trả được món nợ máu xương này. Những mái đầu bạc lại cúi xuống ngậm ngùi, thổn thức theo từng lời bi hùng như phảng phất đâu đây bao oan hồn tử sĩ, của bài truy điệu mà tác giả là vị Chị Huy Trưởng lỗi lạc vang tiếng một thời:

"Lúc bấy giờ...
Nơi cánh đồng chiêm Bắc Việt
Bên con rạch nhỏ Cà Mau
Trong cánh rừng sâu Trung Việt
Phút chốc... Liệt vị... đã trở nên người thiên cổ
Ôi! sự nghiệp đan tâm đeo đuổi
Nay phải đành gián đoạn nửa chừng
................
Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến
Đám sương mù tàn tạ mảnh chinh y...
...................
Chí tuy còn mong hăm hở
Nhưng sức không kham nổi đoạn đường."

Trên bàn thờ, tám mươi hai ngọn nến được thắp lên, tượng trưng cho tám mươi hai vị đồng môn đã lần lượt hy sinh lẫm liệt ngoài chiến trường, hay bị giết dã man trong các trại tù Cộng Sản.

Con chim đầu tiên gãy cánh, Thiếu úy Phan Tất Trí, chỉ mới bảy ngày sau khi trình diện Sư Đoàn 2 BB, đã anh dũng hy sinh. Thiếu úy Đặng Ngọc Khiết, trưởng toán Biệt Kích Delta, nhảy xuống miền Bắc, sa vào tay giặc, bị xử tử tại chợ Ninh Bình năm 1964. Vị thủ khoa Vĩnh Nhi, với biết bao hào quang đón chờ trước mặt, cũng đã bỏ mình bên bờ sông Bảo Định, Mỹ Tho, vào buổi chiều mồng ba Tết Mậu Thân. Người mang cấp bậc cao nhất, Đại Tá Võ Toàn, vị Trung Đoàn Trưởng nổi danh của SĐ1BB, đã mất theo cùng vận nước vào ngày cuối cùng của Quân Đoàn I. Xác thân ông nằm lại ở một nơi nào đó trên quê nhà. Và người tử trận cuối cùng, vào giờ thứ 25 cuộc chiến: Trung Tá BĐQ Đoàn Đình Thiệu, hy sinh vào lúc 10 giờ sáng ngày 30.4.75 tại Mặt Trân Phú Lâm, khi quyết tử chiến cản đường địch quân tiến chiếm Sài Gòn. Sau ngày cuộc chiến kết thúc trong tức tưởi, Trung Tá Võ Vàng, một cấp chỉ huy nổi danh ngay từ lúc còn là Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân, bị bọn CS giết một cách man rợ và hèn mạt tại trại tù Kỳ Sơn, Quảng Nam. Trung Tá Huỳnh văn Lượm, vị Lữ Đoàn Phó của binh chủng TQLC hào hùng, cũng đã chết một cách đau lòng trong trại tù Z30A Xuân Lôc. Tôi cũng thấy đau nhói trong lòng khi được nghe các anh kể lại một đồng môn tài ba, sống anh hùng và chết hiên ngang: Trung tá Phan ngọc Lương, một tiểu đoàn trưởng nổi danh ở SD 1 BB bị trọng thương, cụt chân và phải giải ngũ năm 1972. Sau đó anh làm quân ủy trung ương của đảng Đại Việt, được Tướng Ngô Quang Trưởng mời làm cố vấn chính trị cho Ông. Sau ngày miền Trung mất vào tay giặc, anh tổ chức và tham gia hoạt động quân sự chống lại nhà cầm quyền cộng sản. Không may, anh cùng một số chiến hữu lãnh đạo sa lưới và bị tử hình vào ngày 9 tháng 9 năm 1979. Đúng vào một ngày gió mưa tầm tã. Cái chết oai hùng của anh gây rất nhiều xúc động cho nhân dân thành phố Huế.

Hôm nay, cũng có mặt bà quả phụ Võ Vàng và cháu Võ Hải, trưởng nam của Đại Tá Võ Toàn, đến họp mặt cùng với những đồng môn của phu quân, thân phụ, mang theo nỗi niềm cùng ánh mắt u uẩn của người thân đã mất. Tiếng chiêng trống cùng âm vang não nùng của bài truy điệu làm nhiều người rơi lệ, dẫu nước mắt của họ có lẽ đã khô cằn cạn kiệt. Trong hội trường, hầu hết những vị đã từng là Trung Đoàn Trưởng Bộ Binh, Liên Đoàn Trưởng Biệt Động Quân, Liên Đoàn Phó Biệt Cách Nhảy Dù, Phi Đoàn Trưởng Không Quân và một số vị Tiểu Đoàn Trưởng nổi danh trên trận mạc. Tôi hình dung tới những cánh đại bàng từng một thời oai phong lẫm liệt trên khắp các chiến trường mịt mù lửa đạn. Sau ngày mất nước, hầu hết đều bị kẻ thù giam cầm hành hạ hơn 13, 14 năm trong các trại tù Nam-Bắc. Ngày trở về, cũng có bao gia đình chia lìa tan tác. Vậy mà trong gần hai ngày được ở bên cạnh họ, tôi không hề nghe một ai tự ngợi ca thành tích, chiến công, hay có một lời oán trách các vị chỉ huy, những Tướng Lãnh đã bỏ họ ra đi trong giờ phút tử sinh.

Đứng trước họ, tôi cảm thấy mình thật nhỏ nhoi. Thoáng xấu hổ về những chiến công, tù tội, cùng sự mất mát đã từng kể lể với bạn bè. Tôi cũng đã từng bị thương tích trong chiến tranh, tù đày ở các trại tù Nam- Bắc. Cha tôi cũng đã bị chết trong một trại tù khi ở tuổi 70. Vợ con tôi cũng đã phải sống cảnh nheo nhóc khốn cùng sau ngày mất nước. Nhưng so với họ, các điều ấy trở nên quá đỗi bé nhỏ, tầm thường. Ngày xưa, tôi đã từng ngưỡng mộ họ, khi họ là những con đại bàng lẫm liệt tung cánh trên khắp miền trận mạc, thì hôm nay, tôi vô cùng cảm phục, dẫu cung kiếm không còn, họ chỉ là những con đại bàng thương tích, mỏi mòn với năm tháng tha hương. Nhưng ở đâu đó trong họ, tôi vẫn bắt gặp hào khí của người lính chiến, lòng vị tha và nhất là tư cách của một cấp chỉ huy. Tôi lại nhớ tới cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi nghiệp cho điều mong ước và những dự tính của của Ông đã phải đứt đoạn nửa đường. Khi quyết định thành lập Trường Võ Bị Quốc Gia, Ông luôn kỳ vọng vào những sĩ quan trẻ tuổi, xuất thân với đầy đủ khả năng văn võ để trở thành những vị Tướng Lãnh liêm khiết tài ba, lãnh đạo Quân Đội, Đất Nước sau này. Tiếc là vận nước điêu linh quá sớm. Chỉ cần vài ba năm nữa, trong số những người đứng trước mặt tôi hôm nay, sẽ có nhiều vị Tư Lệnh tài đức vẹn toàn, giữ vững được giang sơn.

Khóa 17 được chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm đặt tên Lê Lai. Có lẽ cái tên này đã quyện vào số mệnh của họ. Dù tài ba thao lược đến đâu, cuối cùng họ cũng chỉ là những Lê Lai, mà không bao giờ có thể trở thành Lê Lợi được.

Người đàn anh của tôi hôm nay, cũng từng là một vị Trung Đoàn Trưởng trẻ tuổi, thao lược can trường. Chiến thắng Kontum và giữ vững được Cao Nguyên trong Mùa Hè Đỏ Lửa , anh đã góp một phần không nhỏ. Ngày 13.03.75, khi cùng toán quân đầu tiên của Trung Đoàn từ Hàm Rồng, Pleiku đổ xuống Phước An, biết tình hình không thể nào cứu vãn được Ban Mê Thuột, nơi có vợ con mình ẩn trốn trong trại gia binh, anh vẫn hiên ngang đi đầu cùng những người lính khinh binh. Từng đoàn xe tăng T 54 và đại quân Cộng Sản theo QL 21 tràn xuống Khánh Dương, bao vây Bộ Chỉ Huy nhẹ của anh trên đỉnh đèo Chu Cúc, anh cùng vị Sĩ Quan Hành Quân thoát được vòng vây. Nhưng đó cũng chính là lúc anh cảm thấy tuyệt vọng nhất trong suốt cả đoạn đời binh nghiệp. Bị tù đày hơn 13 năm. Sang Mỹ muộn màng theo diện HO, nhờ trình độ Anh Văn khá, anh kiếm được việc làm sớm đủ để lo lắng cho các con ăn học. Bây giờ anh sống lặng lẽ cùng với gia đình ở ngoại ô thành phố San Jose, làm thơ Hoa Tâm và nghiên cứu về Thiền Học. Gặp lại anh em đồng đội cũ, anh luôn dang rộng hai tay như muốn ôm lấy hết cái tình huynh đệ, một thời cùng sống chết bên nhau. Và chỉ có những lúc ấy, chúng tôi mới nhìn thấy đôi mắt anh sáng lên cùng với nụ cười rạng rỡ. Nếu trong sách sử, có những trang từng ca tụng những người lính chiến bại, thì hôm nay, tôi xin được viết thêm những dòng nhỏ nhoi này để xin ca ngợi các anh, những cánh đại bàng hào hùng sau một cơn bão lửa, vẫn luôn giữ được hào khí và cung cách của mình. Cho dù, đối với các anh, bất cứ một lời ca tụng nào cũng đã trở thành phù phiếm, thừa thải tự lâu rồi.

Đất nước đang ngày một tan tác điêu linh trong tay của đám người bất lương chiến thắng. Nhất định có lúc, dân tộc sẽ viết lại những bản hùng ca dành cho những người bại trận oan khiên tức tưởi năm xưa.

Phạm Tín An Ninh 

1 nhận xét:

  1. thành thật cảm ơn việc làm của bạn, bạn đã bỏ ra rất nhiều thời gian cho trang web của bạn để mọi người có cơ hội hồi tưởng lại những kỷ niệm của một thời vàng son của Sài Gòn nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung. mong rằng trang web nầy mãi trường tồn để cho các thế hệ sau có một tài liệu sử học vô giá để nghiên cứu

    Trả lờiXóa

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm


Những bài đăng trong tầng lầu này