Trong
khi miền Bắc phóng tay Cải cách Ruộng đất tiêu diệt tầng lớp địa chủ
thì chính quyền miền Nam liên tục tiến hành tư hữu hoá đất đai, thực
hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống nông dân.
Qua
việc thu mua đất từ các điền chủ rồi bán lại hay phát cho nông dân,
trước năm 1975 mọi gia đình nông dân miền Nam đều đã thật sự làm chủ
mảnh đất tư hữu của mình. Chương trình Người Cày Có Ruộng (NCCR) là một cuộc cách mạng xã hội, thay đổi tận gốc rễ nông thôn miền Nam. Chương
trình được thực hiện trong ôn hòa, dựa trên tinh thần thượng tôn luật
pháp, hoà giải và hòa hợp xã hội. Một mặt tôn trọng quyền lợi của chủ
đất, khôi phục và bảo vệ quyền tư hữu đất đai. Mặt khác giúp tòan thể
nông dân có ruộng cày. Thành công một phần nhờ vào sự đóng góp của Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh. Nhưng
chính yếu vẫn là từ hai vị lãnh đạo miền Nam: Thủ tướng Ngô Đình Diệm
đã thực hiện chương trình ngay khi về nước và Tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu quyết tâm nối tiếp thực hiện chương trình. Ông Thiệu hiểu rõ
Luật NCCR không phải chỉ là thành quả của nền dân chủ nghị viện non
trẻ, mà còn là một chính sách mang lại chính nghĩa cho công cuộc đấu
tranh chống cộng sản. Những tài liệu phổ biến gần đây cho thấy,
sau Mậu Thân 1968 số thanh niên miền Nam theo cộng sản càng ngày càng ít
đi, không đủ bổ xung số cán binh cộng sản ra hồi chánh, lên đến trên
200.000 người. Chính vì lý do này cộng sản Bắc Việt đã phải mang quân chính quy từ miền Bắc vượt biên giới xâm lấn miền Nam.
Tình hình ruộng đất miền Nam
Khi
quân Pháp xâm chiếm nước ta, miền Nam vẫn còn nhiều vùng chưa được khẩn
hoang, nhiều vùng vì chiến tranh nông dân đã phải bỏ ruộng vườn. Lợi
dụng cơ hội một số người Pháp và người theo Pháp đã chiếm, rồi thông
đồng với nhà cầm quyền Pháp hợp thức hóa quyền sở hữu đất đai họ chiếm
được. Trước 1945, theo ước tính trong số 6.530 đại điền chủ (trên 50 ha
đất) có 6.316 là ở miền Nam. Miền Nam không xảy ra Cải cách Ruộng đất, không có nghĩa là cộng sản miền Nam nhân đạo hơn cộng sản miền Bắc. Từ
cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa 1940, cộng sản đã thẳng tay tàn sát tiêu diệt
giai cấp điền chủ. Các sử liệu cộng sản tóm tắc việc này như sau: “…lập
tòa án cách mạng xét xử bọn phản động, xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa
các khoản nợ, tịch thu đất thóc gạo của địa chủ chia cho dân nghèo và
nuôi nghĩa quân.” Khi Việt Minh cướp được chính quyền năm 1945,
hầu hết các đại điền chủ đều bỏ ruộng vườn về sống tại Sài Gòn hoặc các
thành phố lớn. Việt Minh tịch thu ruộng đất rồi chia cho tá điền canh
tác và lấy thuế. Ở các vùng thuộc Hòa Hảo và Cao Đài, nông dân
cũng tự thực hiện việc chia lại ruộng đất hoặc chấm dứt nộp địa tô cho
ruộng vườn mà họ đang trồng cấy.
Năm 1949, khi người Pháp bắt
đầu trao trả độc lập Cựu Hoàng Bảo Đại cho ban hành sắc lệnh về Cải cách
Điền Địa (CCĐĐ), nhưng vì chiến tranh và thiếu thực quyền nên sắc lệnh
này không mang lại kết quả cụ thể nào. Sau hiệp định đình chiến Genève chia đôi đất nước, miền Nam đã trải qua hai cuộc CCĐĐ và một số chính sách về ruộng đất.
Cải cách điền địa lần một
Bước
đầu của chính sách cải cách điền địa, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho ban
hành Dụ số 2 và Dụ số 7 nhằm thiết thiết lập quy chế tá canh. Địa
tô được tính không quá 25% vụ lúa thu hoạch chánh. Thời gian cho thuê
được quy định là 5 năm. Tá điền và điền chủ có thể xin hủy bỏ họăc tái
ký hợp đồng. Trường hợp ruộng đất bị bỏ hoang, ước lượng 500 ngàn
ha, thì thuộc quyền sở hữu quốc gia. Chính quyền thu và cấp phát không
cho tá điền. Các tá điền trước đây theo Việt Minh được tiếp tục
canh tác trên mảnh ruộng do Việt Minh cấp phát trong thời chiến. Địa tô
và quyền tá canh nay được chính phủ nhìn nhận và bảo đảm. Ngày 22-10-1956, Tổng thống Ngô Ðình Diệm cho ban hành Dụ số 57, tiến hành Chính sách CCĐĐ. Mỗi
điền chủ chỉ được quyền giữ tối đa 100 ha ruộng, trong số nầy 30 ha
được phép trực canh, còn 70 ha phải cho tá điền thuê theo đúng quy chế
tá canh. Ðiền chủ bị truất hữu được chính phủ bồi thuờng thiệt
hại: 10% trị giá ruộng đất bị truất hữu đuợc trả ngay bằng tiền mặt,
phần còn lại được trả bằng trái phiếu trong thời hạn 12 năm, với lãi
suất là 3% mỗi năm. Ruộng bị truất hữu được bán lại cho các tá
điền, mỗi gia đình được quyền mua lại tối đa 5 ha và phải trả cho nhà
nước trong vòng 12 năm. Giá tiền bán bằng với giá Chính phủ trả
cho chủ điền. Như vậy chủ yếu Chính phủ chỉ làm trung gian trong việc
chuyển nhượng quyền tư hữu đất đai. Chiếu theo Dụ số 57, chính phủ truất hữu 430.319 ha đất từ 1.085 đại điền chủ. Ngày 11-9-1958, Chính phủ còn ký kết Hiệp
định Việt Pháp, truất hữu thêm 220.813 ha ruộng đất của Pháp kiều. Như
vậy tổng số diện tích đất đai được truất hữu là 651.182 ha. Số
ruộng được truất hữu được giao cho 123.198 tá điền. Ngoài ra còn có
2.857 tá điền khác đã trực tiếp mua lại đất của các đại điền chủ. Một
số ruộng truất hữu cũng được bán cho các cựu chiến binh, những nông dân
trốn Việt Minh nay hồi hương và đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Giới điền chủ đều ủng hộ chính sách CCĐĐ. Trong thời chiến ruộng đất của họ bị xem như đã mất. Nay
chính phủ khôi phục lại quyền sở hữu ruộng đất, họ được quyền thu địa
tô và lãnh tiền bồi thuờng thiệt hại nếu bị truất hữu. Đại điền chủ vẫn
còn được giữ lại 100 ha.
Các chính sách khác
Nhằm
giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào miền Bắc di cư, giải quyết nạn
thất nghiệp hậu chiến và đồng thời cũng để cô lập họat động du kích
cộng sản, Tổng thống Ngô đình Diệm còn thực hiện chính sách xây dựng các
khu dinh điền, khu trù mật và các ấp chiến lược. Đến năm 1961,
chính phủ đã thành lập 169 trung tâm tái định cư, với 25 Khu Trù Mật tập
trung trên đồng bằng sông Cửu Long, tiếp nhận 50 ngàn gia đình, với 250
ngàn người tái định cư. Diện tích đất trồng được khai hoang hay được
tái canh đạt 109.379 ha. Tháng 4-1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm
cho thành lập Quốc Gia Nông Tín Cuộc cho nông dân vay tiền một cách dễ
dàng, nhẹ lãi và không đòi hỏi thế chấp hay người bảo lãnh. Đến
năm 1963, Quốc Gia Nông Tín Cuộc đã cho vay số tiền lên đến 4 tỷ 600
triệu đồng, 85% số tiền để giúp các tiểu điền chủ hay tá điền. Nhưng vì
không có thế chấp và vì chiến tranh nên rất ít nông dân chịu trả nợ. Chính
phủ cũng đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn gởi về vùng quê để hướng
dẫn, giúp đỡ kỹ thuật cho nông dân. Nhờ đó năng suất lúa đã tăng từ 1,4
tấn/ha trong những năm 1950-1954, lên đến 2 tấn/ha năm 1960-1963.
Thành quả và giới hạn
Nhờ
các chính sách nói trên, việc sản xuất, xuất cảng và lợi tức nông
nghiệp đã không ngừng gia tăng. Từ năm 1955 đến 1962, mức sản xuất gạo
đã tăng từ 2,8 triệu tấn đến 5 triệu tấn, còn xuất cảng tăng từ 70 ngàn
tấn lên đến 323 ngàn tấn. Các điền chủ có ruộng đất truất hữu nhận
các các khỏan bồi thường lớn, họ đầu tư xây dựng các nhà máy, các phân
xưởng tại nông thôn, hay trong lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp và
dịch vụ. Nhờ đó không chỉ riêng nông thôn, mà tòan miền Nam sống trong
cảnh thái bình. Giới hạn của chính sách CCĐĐ là 74% tổng số diện
tích ruộng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn thuộc 65.757 trung điền chủ
(từ 5 đến 50 ha) và 6.316 đại điền chủ (trên 50 ha). Vẫn còn 795.480
gia đình nông dân chưa được làm chủ mảnh ruộng đang cày. Khi đời
sống nông dân nâng cao thì ảnh hưởng của cộng sản cũng bị giảm sút. Để
tồn tại cộng sản đã tiến hành bạo lực chính trị ám sát, bắt và thủ tiêu
cán bộ và chuyên viên phát triển nông thôn. Cộng sản cấm tá điền
làm đơn xin mua ruộng đất truất hữu, cấm tá điền ký hợp đồng với chủ
điền, buộc điền chủ hủy bỏ địa tô. Một số ngừơi đã bị giết vì không tuân
theo các lệnh cấm nói trên. Cùng lúc cộng sản cho trưng thu thóc lúa của nông dân, tiến hành chiến tranh du kích, khủng bố phá họai làng xã miền Nam. Sau
đảo chánh 1/11 năm 1963 cho đến năm 1965, các vụ đảo chánh liên tục xảy
ra, các chính phủ thường xuyên thay đổi. Chính sách CCĐĐ không được
tiếp tục. Chính sách dinh điền và khu trù mật cũng bị đình chỉ. Nhiều ấp
chiến lược bị phá bỏ. Cộng sản lợi dụng tình thế đưa cán bộ và
quân đội từ miền Bắc vào gia tăng họat động. Sẵn cơ sở hạ tầng rộng rãi
chỉ sau một thời gian ngắn cộng sản đã kiểm sóat được một phần nông
thôn. Ở những vùng chiếm được cộng sản chia lại ruộng đất cho nông dân. Đến năm 1965, với sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh, an ninh tại nông thôn dần dần được vãn hồi. Ngày
3-9-1966, Quốc Hội Lập Hiến được bầu ra. Ngày 1-4-1967, Hiến Pháp mới
được ban hành. Ngày 3-9-1967 cuộc tổng tuyển cử tổng thống và Quốc hội
diễn ra, Tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng thống của nền Ðệ nhị cộng
hòa ra quyết định tiếp tục áp dụng Chương Trình CCĐĐ.
Cải cách điền địa lần hai
Cuộc
tổng công kích Mậu Thân cộng sản thất bại, tại nông thôn cơ sở hạ tầng
cộng sản bị cô lập, an ninh được vãn hồi. Số ruộng trước đây bị bỏ hoang
nay được cấp phát cho nông dân. Đến năm 1969, có thêm 261.874 gia đình được cấp ruộng để canh tác, nâng tổng số người có ruộng lên 438,004 người. Tháng
7-1969, Chương trình bình định và phát triển nông thôn được tiến hành.
Chính phủ cho tổ chức lại cơ cấu hạ tầng nông thôn và đào tạo cán bộ xây
dựng nông thôn gởi về vùng quê để hướng dẩn, giúp đỡ kỹ thuật nông
nghiệp cho dân. Ngày 25-8-1969, Tổng Thống Thiệu đưa dự luật Người Cày Có Ruộng ra quốc hội thảo luận. Điểm
chính của dự luật là giảm số ruộng đất tối đa điền chủ xuống còn 15 ha,
trưng thu và cấp (không bồi hoàn) cho hơn tãm trăm ngàn nông dân chưa
có ruộng cày.
Nhiều dân biểu nghị sĩ thuộc
tầng lớp đại điền chủ không muốn bị truất hữu ruộng đất nên đã tìm cách
ngăn cản thông qua dự luật. Mãi đến ngày 6-3-1970 đạo luật mới được
Thượng viện thông qua. Ngày 16-3-1970 được Hạ viện thông qua. Ngày 26-3-1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho ban hành luật Người Cày Có Ruộng (NCCR) và lấy ngày này làm Ngày Nông Dân. Tại Cần Thơ vào ngày 26-3-1970, ngày ban hành Luật NCCR Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: "Hôm
nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi.” Ông cho biết: “Tôi đã từng
tham gia Việt Minh. Tôi biết rằng Việt Minh là cộng sản, họ bắn người
dân, họ lật đổ các ủy ban xã, họ tịch thu đất đai”. Các ruộng đất
không được trực canh bị truất hữu phát cho các tá điền đang canh tác.
Mỗi tá điền được phát 3 ha ở Nam phần hay 1 ha ở Trung phần. Điền chủ trực canh được giữ lại tối đa 15 ha. Đất
truất hữu được trả 20% bằng hiện kim và 80% bằng công khố phiếu với 10%
lãi trong tám năm. Giá trị của đất ruộng quy định là 2,5 lần giá năng
suất thóc (hay lợi tức) từ khoảnh đất đó. Trong vòng 3 năm,
1970-1973, đã có 51.704 điền chủ bị truất hữu tổng số ruộng là 770.105
mẫu. Trong thời chiến đa số ruộng đất bị ảnh hưởng, nên đa số các điền
chủ bị truất hữu đều không bất mãn. Để đền đáp chính phủ cho phổ biến rộng rãi các bích chương: “Người Cày có ruộng ghi ơn tinh thần hy sinh của điền chủ.” Nhìn chung ông Thiệu thu phục được nhân tâm của giới cựu điền chủ miền Nam. Luật NCCR cũng quy định nông dân lãnh ruộng do cộng sản cấp cũng được nhận bằng khoán chính thức sở hữu số ruộng. Cho
đến ngày 28-2-1973 Chương trình CCRĐ coi như đã hòan tất. Đã có 858.821
tá điền được hữu sản hóa 1.003.323 ha ruộng đất. Mọi nông dân miền Nam
đều có ruộng cày. Chương trình NCCR đã tạo ra một tầng lớp tiểu và trung điền chủ lên đến 1,3 triệu người.
Chỉ còn chừng 10% là có từ 5-15
ha đất, với 10% diện tích trồng trọt và họ cũng phải tự chăm sóc cho
đất đai. Đại điền chủ không còn và việc tá canh coi như đã chấm dứt. Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu cũng cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng,
thêm cán bộ xây dựng nông thôn, khuyến khích nghiên cứu và áp dụng
phương pháp canh tác mới với kỹ thuật mới thúc đẩy gia tăng năng suất. Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn được thành lập. Với bằng khóan đất, nông dân được vay lãi nhẹ để đầu tư sản xuất. Chương
trình cơ giới hóa nông nghiệp được đưa về nông thôn. Nông dân bắt đầu
trang bị cơ giới để canh tác, sử dụng phân bón hóa học, cải tiến giống
lúa, trồng lúa Thần Nông, tăng gia sản xuất gia súc lai giống… Cơ sở hạ
tầng phát triển nông dân hăng say học hỏi và sản xuất. Năng suất
lao động trong sản xuất lúa gạo tăng lên nhanh chóng. Năm 1974, sản
lượng gạo sản xuất đã tăng đến 7,2 triệu tấn với viễn tượng xuất cảng.
Nhờ đó đời sống của nông dân được cải thiện một cách rõ ràng. Số
điền chủ có ruộng bị truất hữu, cũng được chính phủ giúp đỡ sử dụng vốn
kinh doanh các dịch vụ cơ khí nông nghiệp, dịch vụ lưu thông hàng hoá
nông sản phẩm, dịch vụ chế biến thực phẩm nông sản, hướng đến việc xuất
cảng bán thành phẩm nông nghiệp, giúp nền kỹ nghệ miền Nam khởi sắc đóng
góp xây dựng nền kinh tế quốc gia. Thể chế đi ngược lòng dân rồi
cũng sẽ bị thay đổi. Bài học từ Chương trình Người Cày Có Ruộng của
Việt Nam Cộng Hòa là phải trao lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông
dân. Chính phủ tương lai ở Việt Nam cần thực hiện chương trình
bán trả góp đất cho dân để có ngân sách đầu tư xây dựng lại nông thôn. Dân
có giàu thì nước mới mạnh. Nông dân sẽ luôn là tầng lớp chính của dân
tộc Việt Nam và lịch sử đã chứng minh họ luôn là nền tảng trong việc bảo
vệ và xây dựng quốc gia. Nông dân có giàu thì nước mới mạnh. Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả Nguyễn Quang Duy từ Canberra, Úc.
Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm