Trong những ngày đầu
tháng 4 năm 1975, Sài Gòn có quá nhiều biến cố: dòng người di tản từ cao
nguyên, từ miền Trung dồn dập đổ về thủ đô trong khi quân đội VNCH ngày càng co
cụm để bảo vệ Sài Gòn trước làn sóng tràn ngập của lực lượng miền Bắc. Người ta
hầu như chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình của mình trước đại họa đất nước nên
có rất ít người chú ý đến một tin thuộc loại “chấn động” (shock news) nếu như
trong thời bình.
Khoảng 4 giờ chiều, Thứ Sáu, ngày 4/4/1975, một chiếc phi cơ
vận tải quân sự C-5A Galaxy của Hoa Kỳ mang ký hiệu 68-0218 cất cánh từ phi
trường Tân Sơn Nhất trực chỉ Clark Air Base tại Phi Luật Tân. Đó là chuyến bay
quân sự đầu tiên di tản các trẻ em mồ côi Việt Nam sang Mỹ trong sứ mạng Operation Babylift do đích thân Tổng
thống Gerald Ford tuyên bố một ngày trước đó.
Tin “chấn động” vì chiếc C-5A Galaxy, phi cơ vận tải quân sự
lớn nhất của không Hoa Kỳ vào thời điểm 1975, đã bị trục trặc kỹ thuật và rơi trong
khi cố quay lại đường băng 25L Tân Sơn Nhất. Tai nạn xảy ra khiến 138 hành
khách bị thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ mồ côi người Việt và 35 nhân viên Văn
phòng Tùy viên Quốc phòng (Defense Attache Office – DAO) người Mỹ tháp tùng.
Phi cơ vận tải C-5A Galaxy
cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất
Người ta kể lại, khoảng 12 phút sau khi cất cánh từ phi
trường Tân Sơn Nhất, một tiếng nổ phát ra từ phía đuôi của chiếc Galaxy, tạo ra
một lỗ hổng lớn. Áp suất trong phi cơ thay đổi đột ngột và phi hành đoàn quyết
định bay trở lại hướng Tân Sơn Nhất. Nhưng đã không kịp.
Phi cơ phải đáp khẩn cấp bằng bụng, trượt dài hàng trăm mét trên
một ruộng lúa, đụng vào bờ đê và cuối cũng vỡ thành 4 mảnh. Một cột khói cao
ngất xuất hiện trên bầu trời gần phi trường trước khi lực lượng tiếp cứu có mặt
tại địa điểm xảy ra tai nạn.
Cột khói bốc lên sau khi chiếc Galaxy gặp nạn
Trực thăng cấp cứu bay đến An Phú Đông (nay thuộc quận 12),
nơi phi cơ bị rớt. Đây là một khu vực ruộng lúa ngập nước và chỉ khoảng phân
nửa số hành khách được cứu sống. Những người ngồi ở phần đuôi máy bay đều bị
thiệt mạng. Thân thể họ nằm vương vãi trên một diện tích rộng hằng trăm mét
vuông.
Xác của chiếc Galaxy
tại khu vực An Phú Đông
Trực thăng cứu nạn chỉ bay lơ lửng trên đầu vì không thể đáp
xuống ruộng lúa ngập nước. Những người sống sót, gồm phi hành đoàn, y tá và nhân
viên thiện nguyện, phải lội ruộng, trên tay bồng những trẻ sơ sinh giữa những
cơn gió xoáy của cánh quạt trực thăng.
Những trẻ mồ côi sống sót sau tai nạn
Nhưng rồi họ cũng chuyển được một số trẻ em lên trực thăng. Người
ta vẫn tự hỏi, biết đâu tại nơi xảy ra tai nạn cũng còn những em thoi thóp
nhưng người cứu nạn không nhìn thấy. Số phận của những trẻ mồ côi này cũng được
coi như đã chết như những bạn đồng trang lứa vắn số khác. Đó là nghịch cảnh của
chiến tranh. Khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất mong manh.
Một thành viên Babylift năm xưa từ Mỹ trở về
đốt nhang tưởng niệm những người bạn đã tử nạn tại An Phú Đông
(Ảnh Michvet3, http://www.flickr.com/photos/12989792@N00/404564686/)
Bà Allison Martin [*] kể
lại: “Ở phần đuôi máy bay đa số là trẻ em
dưới 2 tuổi và có 7 nhân viên tình nguyện người Mỹ. Trong số những người sống
sót, có đến 170 người bị thương tích nặng, trong đó có một cô bé sau này được
báo chí nhắc đến qua tên Melody khi tài tử nổi tiếng Yul Brynner đã nhận làm
con nuôi”.
Theo kế hoạch do Tổng thống
Gerald Ford công bố, Operation Babylift
sẽ sử dụng khoảng 30 chuyến bay - cả phi cơ quân sự lẫn dân sự - để di tản
70.000 trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam vào tháng 4/1975. Kế hoạch được tài trợ một
ngân khoản 2 triệu đô-la từ quỹ hỗ trợ đặc biệt của chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Gerald Ford đã xuất hiện trên truyền hình Mỹ khi đích
thân đến phi trường San Francisco đón một trong
những chuyến bay chở trẻ mồ côi từ Việt Nam đến. Trong mắt người dân Hoa
Kỳ, hình ảnh ông bồng một đứa trẻ từ trên máy bay xuống đã vớt vát phần nào thể
diện của một vị tổng thống trước biến cố 30/4/1975.
Tổng thống Gerald Ford đón trẻ mồ côi
tại phi trường San Francisco
Tuy nhiên, có thể nói, Operation Babylift đã diễn biến không theo
đứng kịch bản mà chính phủ Mỹ đã phác họa. Chiến dịch chỉ có thể di tản khoảng hơn
3.000 cô nhi thì phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích và cuộc chiến Việt Nam đã
chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tại Mỹ, tin tức về thảm họa
Galaxy được coi là điềm xấu báo trước một biến cố còn nhiều kịch tính hơn nữa đối
với miền Nam
khi bị hoàn toàn sụp đổ. Thế nhưng, vào thời điểm 1975, người Mỹ không có cách
nào khác hơn là tiếp tục chiến dịch Babylift trước tình hình chiến sự ngày càng
nguy ngập.
Tân Sơn Nhất không còn thời gian
để tưởng niệm những hành khách đi trên chiếc Galaxy định mệnh. Chỉ một ngày sau
tai nạn, Operation Babylift được tiếp
tục tiến hành. Một chiếc Boeing 747 được thuê từ hãng hàng không Pan American Ariways
để chở 409 trẻ em và 60 nhân viên chăm sóc. Và cứ thế, các chuyến bay thuê với
các hãng hàng không khác như United Airways, World Airways, Air America… liên
tục bốc trẻ mồ côi ra khỏi Sài Gòn.
Làm thế nào để vận chuyển một số
lượng khổng lồ hành khách gồm toàn trẻ em trong đó có cả trẻ sơ sinh là cả một
vấn đề đối với các nhân viên di tản. Trong cuốn This Must be my Brother, Leann Thieman kể lại:
“Chúng tôi không có thì giờ cho các em ăn… đồng loạt bấy nhiêu cái
miệng đều cất tiếng khóc… Cuối cùng, một sáng kiến được đưa ra: cứ 3 em được
đặt trong thùng giấy carton và mỗi em có một bình sữa đặt trên vai người bạn
nằm cùng thùng. Với cách này, có em bú thoải mái nhưng cũng có em gặp khó khăn
khi bình sữa rơi khỏi miệng…
Tôi đặt một em bé gái trên đùi để em bú bình sữa còn tay kia cầm bình
sữa cho một em khác nằm trong hộp nhưng hình như em không đủ sức để bú nên cuối
cùng tôi phải dùng tay bóp vào núm vú cho sữa chảy mạnh…”
Trên chiếc Galaxy đầu tiên rời
Sài Gòn ngày 4/4/1975 những hành khách nhỏ tuổi nhất đều nằm trong hộp, được
chằng bằng dây đai an toàn. Những “hộp người” đó nằm giữa lòng phi cơ. Những em
lớn hơn ngồi trên hai hàng ghế bằng nhôm dọc theo thân tàu… Người lớn đi theo
gồm nhân viên phi hành đoàn và những người tình nguyện làm việc một cách vất vả
trong một trạng thái tinh thần căng thẳng khi tiếng súng đã vọng về từ các vùng
lân cận quanh thủ đô.
“Hành khách” sơ sinh được để trong hộp carton
Miriam Vieni, một người hoạt động xã hội người Mỹ và cũng là
mẹ nuôi của một trẻ mồ côi người Việt, nhớ lại:
“Sáng hôm nghe tin
chuyến bay di tản đầu tiên bị rớt, một số bạn bè tụ họp tại nhà tôi để chờ nghe
tin tức. Bỗng điện thoại reo liên tục, người ta hỏi thăm về thủ tục nhận con
nuôi. Họ biết được số điện thoại của tôi qua một bài báo trên Newsday. Không
chỉ qua điện thoại, có người còn đến tận nhà để lấy thông tin…
Người ta phấn khởi khi
biết họ có thể nhận nuôi những trẻ Việt sẽ sang Mỹ một cách hợp pháp qua
Operation Babylift và như thế là họ làm thủ tục nhận nuôi dù khi đó các em còn
chưa lên máy bay rời khỏi Việt Nam.”
Cặp vợ chồng Pat và Dave Palmer từ Iowa
kể lại việc làm thủ tục nhận con nuôi: “Khi
nộp đơn xin con nuôi, chúng tôi phải tiến hành thủ tục một cách mau lẹ vì tình
hình chính trị ở Việt Nam
lúc đó quá rối ren. Rất khó có thể liên lạc bằng điện thoại với cơ quan FCVN [Friends
of Children of Viet Nam] vì đường dây
luôn bị nghẽn mạch. Chúng tôi phải dùng đến điện tín để liên lạc và kết quả là
chúng tôi có một cậu con nuôi 1 tuổi. Không phải chỉ cuộc đời cháu bé mà chính
cuộc đời chúng tôi cũng đã thay đổi từ đó”.
Tại Úc, trong bản báo cáo về tình trạng nhận con nuôi qua Operation Babylift, Ian Harvey cho biết:
“Tháng 4/1975, khi có tin nước Úc sẽ tiếp
nhận trẻ mồ côi Việt Nam
làm con nuôi, một số gia đình người Úc đã vội vã nộp đơn. Riêng tại bang New South Wales là nơi
đến của 14 trẻ Việt nhưng số đơn xin nhận con nuôi đã vượt con số 4.000”.
Theo báo cáo Ian Harvey, có trên 90% gia đình Úc có con nuôi
người Việt ghi nhận sự thành công của việc họ nhận con nuôi. Tuy nhiên, đối với
những gia đình tiếp nhận con nuôi từ 4 tuổi trở lên gặp khó khăn hơn những
người khác vì càng lớn trẻ mồ côi càng khó thích nghi hơn với cuộc sống
mới.
Trẻ mồ côi đến Úc trong chuyến di tản ngày 17/4/1975
Ngay từ đầu tháng 4/1975, hàng
loạt các tổ chức từ thiện trong đó có Holt
International Children’s Services, Friends
of Children of Vietnam, Catholic
Relief Service, International Social
Services, International Orphans
và Pearl S. Buck Foundation thỉnh
nguyện chính phủ Hoa Kỳ di tản trẻ mồ côi bị lưu lạc từ các trại mồ côi tại
miền Trung đang bơ vơ giữa Sài Gòn hỗn loạn.
Cho đến bây giờ, vẫn chưa có con
số chính xác trẻ mồ côi được di tản khỏi Sài Gòn vì tình hình rối ren lúc đó.
Có khoảng 2.000 trẻ được đưa sang Hoa Kỳ và khoảng 1.300 trẻ được di tản đến Canada, Âu châu
và Úc. Ngoài những chuyến bay chính thức, hằng ngày từ 4 đến 7 chuyến, còn có
những chuyến bay bằng phi cơ nhỏ qua các hợp đồng kéo dài suốt tháng 4.
Những “hành khách” trên chuyến bay di tản
Dư luận Mỹ bị phân hóa vì những
quan điểm đối chọi nhau về Operation
Babylift. Thậm chí trên báo còn có những câu hỏi nhức nhối: Babylift or babysnatch?, tạm dịch là Di tản trẻ em hay giành dựt trẻ em? và The Orphans: Saved or Lost? (Trẻ mồ côi: Cứu giúp hay Mất mát).
Trần Tương Như, một trong số ít
người Việt sống tại Mỹ từ trước 1975 và cũng là một thành viên hỗ trợ đắc lực
cho Operation Babylift tại San
Francisco lúc đó. Bà Như và một số người tình nguyện khác đã khám phá một sự
thật ngay từ những ngày đầu của Operation
Babylift: một số nhỏ trẻ mồ côi được di tản sang Mỹ thực sự không phải là
cô nhi, chúng được các gia đình khá giả gửi theo để được di tản sang Mỹ một
cách an toàn.
Sau này, đã có những vụ kiện tại
Mỹ về những trường hợp trẻ em bị đưa khỏi Việt Nam “ngoài ý muốn của cha mẹ
chúng”. Dĩ nhiên những người khởi kiện chính là các gia đình người Việt hiện
định cư tại Mỹ.
Người ta cũng không loại trừ
trường hợp trong tình trạng hỗn loại vào tháng 4/1975 nhiều gia đình bằng mọi
cách gửi con đi theo chiến dịch di tản trẻ mồ côi và thời gian sau lại kiện các
gia đình Mỹ đã nhận con cái của họ làm con nuôi như bà Như đã phát hiện từ đầu.
Một số người cho rằng việc di tản
trẻ mồ côi Việt Nam, trong đó có cả những đứa con lai do hậu quả của chiến
tranh, sẽ đem lại cho các em một cuộc sống tốt đẹp hơn so với nơi các em ra
đời. Họ cũng cảm thấy Operation Babylift
là nguồn an ủi tinh thần mang tính cách nhân đạo trước những hậu quả tàn khốc của
cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ngược lại, có dư luận cho rằng Operation Babylift là một chiến dịch
hoàn toàn vì mục đích chính trị, thậm chí còn là “đòn chính trị cuối cùng” của
chính phủ Mỹ trước khi rời khỏi Việt Nam.
Cảnh di tản chụp từ trong máy bay
Bà Miriam Vieni giải thích về
những ý kiến tương phản nhau trong việc Operation
Babylift đưa trẻ mồ côi người Việt sang Mỹ:
“Một số người cho rằng đưa trẻ em ra khỏi quốc gia nơi các em sinh sống
là sự vi phạm quyền thiêng liêng của con người khi các em chưa đủ trí khôn để
chọn lựa và quyết định. Một số người lại nghĩ những trẻ mồ côi người Việt phải
được chính người Việt giải quyết. Trên TV, một số khác không ủng hộ việc chọn
con nuôi khác nguồn gốc chủng tộc, họ còn đưa ra trường hợp tại sao không chiếu
cố đến một số trẻ mồ côi người Mỹ gốc Phi còn đang chờ các gia đình Mỹ nhận
nuôi”.
Về phía các gia đình Mỹ nhận con nuôi người Việt cũng có
những suy nghĩ cho rằng những đứa con mà họ nuôi nấng và dạy dỗ bấy lâu nay vẫn
còn một hố sâu ngăn cách vô hình. Một cuộc khảo sát cho thấy những trẻ mồ côi
có một cuộc sống khá đầy đủ trong suốt thời kỳ thơ ấu tại Mỹ. Đến gia đoạn
trưởng thành, những đứa trẻ mồ côi ngày nào sẽ có những suy nghĩ và sự dằn vặt
về cội nguồn của mình.
Chú Sam bồng một trẻ Việt (Chiến tranh Việt Nam)
Nữ thần Tự do bồng một trẻ Triều
Tiên (Chiến tranh Triều Tiên)
Thân phận của 3.000 trẻ em ngày
đó đã và đang sống ra sao tại nước ngoài? Đó là câu hỏi ít khi người ta nghĩ
đến. Nguyễn Thị Thanh Trúc là một trẻ thuộc Viện Mồ côi Ghềnh Ráng, Quy Nhơn.
Năm 1975 Thanh Trúc được Operation
Babylift bốc sang Mỹ và làm con nuôi một gia đình người Mỹ tại Seattle, tiểu bang Washington.
Với tên Julie, Thanh Trúc được
nuôi dạy và lớn lên như bất kỳ một đứa trẻ nào trên đất Mỹ. Khác biệt duy nhất
là Julie có vóc người châu Á nhỏ bé hơn so với các bạn bè đồng trang lứa. Hiện
nay Julie đã lập gia đình với Brad Davis và trở thành bà Julie Davis.
Lần đầu tiên trở về Việt Nam cùng chồng trong nửa tháng trời, Julie kể
lại: “Chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam kéo dài hơn
20 giờ mà tôi có cảm tưởng dài đến 20 năm… Khi phi cơ đáp xuống phi trường Tân
Sơn Nhất, Brad vỗ vai tôi, ý nhị: ‘Chúng ta đã đến nơi. Em đã về nhà’… Sau khi
đi thăm Sài Gòn, Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi về lại Quy Nhơn và đến tận
Viện Mồ côi Ghềnh Ráng để thăm lại nơi xuất xứ của tôi…”
Cô nhi viện Ghềnh Ráng tọa lạc trong khuôn viên một nhà thờ
và do các nữ tu phụ trách. Qua người thông dịch, Julie tìm lại được bà sơ
Emilienne, người đứng tên trên giấy khai sinh của Thanh Trúc. Người nữ tu chỉ
biết mẹ của Thanh Trúc đã qua đời ngay sau khi sinh con nên bà đứng tên trên
giấy khai sinh cũng họ Nguyễn như bà. Cội nguồn của Julie chỉ có thế nhưng cũng
đủ để cô tìm hiểu về quá khứ của mình.
Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay. Julie viết: “Cuộc hành trình ngắn ngủi để tìm lại quá
khứ của tôi đã chấm dứt nhưng dư âm của nó vẫn còn vĩnh viễn đọng lại trong
tôi. Giờ thì tôi tự hào là người có gốc, cho dù nguồn gốc đó cách nơi tôi sinh
sống đến nửa vòng trái đất”.
Các “Babylift” tại phi trường Tân Sơn Nhất năm 2005
(Ảnh của tác giả,
Tháng 4/2005, một đoàn du khách Mỹ gồm 38 người đã đến Việt Nam trong một
chuyến du lịch được mệnh danh là “Operation
Babylift—Homeward Bound 2005”. Điểm đặc biệt đoàn du khách này có 21 người
trước đây là trẻ mồ côi trên các chuyến bay di tản, số còn lại là những người
có liên quan đến Operation Babylift.
Đặc biệt hơn nữa, trong số trẻ mồ côi ngày nào trở về quê hương có 3 em đã từng
được cứu sống sau tai nạn của chuyến bay khởi đầu Operation Babylift.
Chuyến Hành trình về
nguồn được hãng hàng không World Airways (WA) bảo trợ. WA, một trong những
hãng hàng không đã tham gia Operation
Babylift, đã liên lạc được với 21 trong số 57 trẻ mồ côi được WA chuyên chở
khi rời Sài Gòn vào năm 1975 và đưa họ trở về thăm quê hương đúng 30 năm sau
ngày được di tản.
Những hành khách đặc biệt này ngày nay đã thuộc lứa tuổi
trên 30, đa số đã lập gia đình và có một cuộc sống ổn định như bao thanh niên
trên đất Mỹ. Khác chăng chỉ là họ có một mối liên hệ từ tuổi ấu thơ với Việt
Nam và khi trở về quê hương họ đã là những người trưởng thành.
Chuyến về Sài Gòn chỉ kéo dài 2 ngày (15 và 16/4/2005). Nhưng
có điều chắc chắn chuyến trở về mang nhiều ý nghĩa đối với những người lúc ra
đi chỉ là những đứa trẻ còn khóc oe oe trên các chuyến bay bão táp, thậm chí có
trẻ còn nằm lọt thỏm trong hộp giấy. Trên chuyến trở về họ là những hành khách
như bao hành khách khác nhưng mang một tâm trạng “hồi cố hương” sau 30 năm xa
cách.
Câu chuyện Babylift mang âm hưởng
một chuyện cổ tích giữa đời thực với đầy đủ “Hỷ
- Nộ - Ái - Ố”. Tuy nhiên, câu chuyện có đoạn kết “có hậu”, rất hiếm gặp
giữa đời thường.
Safi Thi-Kim Dub và Emma McCrudden đã may mắn
sống sót trong chuyến bay ngày 4/4/1975
(Ảnh My Lăng chụp năm 2005 trong chuyến “Hành trình về nguồn” thăm lại
nơi xảy ra tai nạn)
***
[*] Allison Martin,
Chủ tịch hiệp hội Families with Children
from Vietnam (Gia đình có những trẻ em Việt Nam), mở một website http://www.adoptvietnam.org/ trong đó
có rất nhiều bài viết về chiến dịch Babylift của các gia đình Mỹ cũng như các
thành viên Babylift. Gia đình Martin có 3 người con, trong đó người nhỏ nhất là
con nuôi từ Việt Nam
năm 1997.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm