Quái Kiệt Trần văn Trạch
Trần Văn Trạch (1924-1994) thuộc gia đình bốn đời nhạc sĩ, hai bên nội ngoại đều có người trong giới nhạc truyền thống dân tộc. Nếu Trần Văn Khê là người anh hai (theo cách gọi trong gia đình miền Nam) mà tên tuổi lẫy lừng trong nền nhạc cỗ truyền thống dân tộc, thì cậu ba Trần Văn Trạch, tung hoành trên vòm trời nghệ thuật nhạc mới suốt nửa thế kỷ trước, tạo ấn tượng khó phai trong lòng người ngưỡng mộ cho tới nay.
Và biệt danh “quái kiệt” tới nay hình như chỉ dành riêng cho Trần Văn Trạch là vậy.
Trần Văn Trạch sanh năm Giáp Tý, 1924, tại làng Vĩnh Kim tỉnh Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang. Lúc nhỏ tên là Trần Quang Trạch, nhưng không biết thủ bộ ở làng Vĩnh Kim nghĩ thế nào mà viết tên anh là Trần Quan Trạch (không có G ). Trạch lại trùng tên bà cụ láng giềng nên ở nhà gọi tránh là Khê Em. Và tới nay người ta không biết cơ duyên nào đưa đẩy cái tên Trần Văn Trạch đến với anh, thay vì Trần Quan Trạch?
Gia đình anh có ba anh em.Trần Văn Khê là anh hai, Trạch thứ ba, cô em gái út là Trần Ngọc Sương là ca sĩ có tiếng vào thập niên 50 trước sống ở Canada.
Theo gia phả, cố nội của Trần Văn Trạch là ông Trần Quang Thọ trước kia trong ban nhạc cung đình Huế vào Nam lập nghiệp sanh ra Trần Quang Diệm, cũng gọi là Năm Diệm nối nghiệp cầm ca, là ông nội của Trạch.
Trần Văn Chiều tức Bảy Triều, ba của Trạch, là người chế ra cách lên dây “Tố lan” mà trong ca nhạc tài tử cải lương miền Nam ai cũng biết.
Nên mới nói Trần Văn Trạch thuộc gia đình bốn đời nhạc sĩ, sống gắn bó với câu ca tiếng đờn, trong suốt thế kỷ qua.
Dầu sống trong thời kỳ mà dư luận vốn có thành kiến “Nam đa kỳ, tắc suy; Nữ đa kỳ, tắc dâm” nhưng người cô thứ ba của Trạch tên Trần Ngọc Viện, gọi là cô Ba Viện, chơi đờn tỳ bà rất giỏi. Hồi trẻ Cô Ba lên Sài Gòn dạy nữ công gia chánh cho học sinh trường Áo Tím nữ học đường, sau về Mỹ Tho lập gánh hát cải lương lấy tên là Ðồng Nữ Ban năm 1927 với vở tuồng nổi tiếng là “Giọt lệ chung tình”, mà đào kép toàn là con gái nông thôn do một tay cô đào tạo.
Trần Văn Trạch thuở nhỏ có khiếu nhạc, chơi đờn kìm và tỳ bà theo ngón của cha, ca vọng cổ cũng mùi. Lớn lên trong cái nôi cải lương miền Nam là Mỹ Tho, nơi có gánh hát cải lương đầu tiên vào năm 1917 của thầy Năm Tú hát tại Chợ Cũ Mỹ Tho. Thế nhưng Trần Văn Trạch lại ham học đàn mandoline với Trần Văn Khê và học đờn violon với Nguyễn Mỹ Ca, người anh cô cậu. Trạch đã biết chơi thành thạo những bài nhạc Tây thịnh hành thuở đó như là J'ai deux amouers, Marinela...
Ðang học tại College de MyTho, đến năm 1942 Trạch bỏ ngang đi ra mở lò gốm làm chén! Và bởi bản tánh nghệ sĩ nên bị thất bại nên phải “dẹp tiệm”, bỏ xứ lên Sài Gòn lập nghiệp mới!
“Quái kiệt” Trần Văn Trạch
Trần Văn Trạch lên Sài Gòn vào năm 1945, lúc đầu vào hát cho các phòng trà phục vụ quân đội Pháp với vai trò hoạt náo, ca múa (dacing) những bản nhạc Tây. Trong thời gian này anh sống với người vợ đầm và có một đứa con và vì thế anh mấy lần bị Việt Minh bắt với tội danh “Việt gian”!
Trần Văn Khê vận động, nhờ người bảo lãnh, Trạch được tha nên anh gia nhập vào “Ban nhạc quân đội” Việt Minh cùng Trần Văn Khê đi lưu diễn khắp miền Tây và có lần họ gặp nhạc sĩ Lệ Thương ở Bến Tre, Mỹ Tho.
Sau đó độ khoảng năm 46-47 Trạch rời “kháng chiến” về Sài Gòn, cùng em gái là Trần Ngọc Sương mở quán nước giải khát tại khu Bàn Bờ bán cho lính Pháp. Tracco, tên Tây của Trạch do các bạn bè đặt cho anh là vào lúc này, bởi thỉnh thoảng anh hát những bài nhạc Tây nhằm câu khách.
Nhạc sĩ Lê Thương lúc năm 45 về Bến Tre, có thời gian bị Pháp bắt ở Mỹ Tho, sau được thả, về Sài Gòn trong phong trào hồi cư bấy giờ. Không rõ cơ duyên nào đưa đẩy khiến Lê Thương phát hiện cái khả năng hài tiềm ẩn trong con người nghệ sĩ phiêu bồng lãng tử Trần Văn Trạch?
Nhạc sĩ Lê Thương bèn viết bài ca thử nghiệm đầu tiên cho Trạch. Ðó là bài “Hòa bình 48” hát nhái tiếng súng, đại bác, máy bay liệng bom; rồi bài ca” Liên Hiệp Quốc” hát bằng tiếng Pháp-Anh-Nga-Tàu; bài “Làng báo Sài Gòn” phê bình các nhà báo nói láo ăn tiền, chạy theo Tây!
Nhờ những bài hát mang chất châm biếm hài của nhạc sĩ Lê Thương mà Trần Văn Trạch chuyển hướng. Anh tự sáng tác những bài hát hài để tự diễn. Bài hát anh sáng tác đầu tay năm 1951 là bài “Anh xích lô” mang chất hài vui, nhịp điệu nhanh và lôi cuốn.
Với giọng ca trầm hơi thổ, mang nét mộc mạc miền Nam (như Út Trà Ôn), cộng thêm phong thái biểu diễn mới lạ, vui nhộn, độc đáo... nên Trần Văn Trạch làm khán khán giả say mê cuồng nhiệt.
Anh được khán giả, báo chí phong tặng danh hiệu “quái kiệt”. Và tên tuổi quái kiệt Trần Văn Trạch xuất hiện như là một hiện tượng lạ trong nền nghệ thuật Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ qua.
Trần văn Trạch viết và biểu diễn thành công tiếp những bài mà nhắc lại thế hệ thanh niên tuổi 60, 70 ai cũng biết, đã từng nghe và mê mệt.
Ðó là: Chuyến xe lửa mùng 5 (1952), Cái tê-lê-phôn, Anh chàng thất nghiệp, Cây viết máy, Cái đồng hồ tay, Ðừng có lo...
Trong lãnh vực hài kết hợp hoạt náo, qua các bài Tân nhạc, kết hợp múa theo vũ điệu Tây phương, với kiểu ăn mặc, đầu tóc lạ mắt... quái kiệt Trần Văn Trạch trở thành nghệ sĩ “hài trí thức” duy nhứt trong thời đại của anh.
Trần Văn Trạch còn là người tiên phong khai sanh ra loại hình Ca-Vũ-Nhạc-Kịch-Xiệc-Ảo thuật tổng hợp trên sân khấu mà chính anh là bầu sô. Cái tên “Ðại Nhạc Hội” của anh đặt ra trở thành loại hình sân khấu mới, hấp dẫn, vui tươi không thể thiếu trong dịp Tết cho tới nay ở trong và ngoài nước!
Rồi một hôm tại rạp hát bóng Nam Việt, Trần Văn Trạch đầu tiên lăn-xê chương trình ca nhạc mở màn trước khi chiếu phim, rất ăn khách. Thuở đó gọi tên là “Chương trình văn nghệ phụ diễn”, loại hình sân khấu này nay vẫn còn được ưa chuộng trong các cuộc thi tuyển lựa tài năng, tuyển lựa hoa hậu, giới thiệu sách, nói chuyện văn học...
Trần Văn Trạch là người đầu tiên hát với sound track, nhạc thâu trước sẵn.
Năm 1960, hôm đó trên sân khấu Ðại Nhạc Hội giới thiệu bài hát mới “Chiều mưa biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, lần đầu tiên quái kiệt Trần Văn Trạch xuất hiện trên sân khấu, ca không có ban nhạc sống, gây ngạc nhiên và thích thú cho khán giả.
Nhờ nghệ thuật thâu sẵn nên hòa âm và âm thanh hoàn hảo, kết hợp ca diễn ăn ý, nghệ sĩ Trần Văn Trạch hát bài “Chiều mưa biên giới” linh hoạt nên anh được khán giả nhiệt liệt hoan hô. Kiểu hát này ngày nay rất phổ biến.
Quái kiệt Trần Văn Trạch còn được biết tới trong lãnh vực phim ảnh. Anh tham gia đóng những phim “Lòng nhân đạo” năm 1955, “Giọt máu rơi” năm 1956; làm đạo diễn phim “Thoại Khanh Châu Tuấn” năm 1956, phim “Trương Chi Mỵ Nương”, năm 1956.
Trong lãnh vực phát thanh, anh là người sớm có mặt trên làn sóng của Ðài phát thanh Pháp-Á từ đầu với ban nhạc Sầm Giang của anh. Hầu hết ca sĩ nổi tiếng thời đó như Minh Diệu, Tâm Vấn, Bạch Yến, Duy Trác, Ngọc Sương, Ngọc Hà, Linh Sơn; với các nhạc sĩ Võ Ðức Thu, Khánh Băng, Nghiêm Phú Phi cùng các ban Tùng Lâm, ban Thăng Long... đều được anh mời cộng tác.
Quái kiệt Trần Văn Trạch người nghệ sĩ tạo được ấn tượng riêng cho cá nhơn và là người tạo ra nhiều loại hình trình diễn, loại hình tổ chức mới cho nền nghệ thuật ca nhạc, sân khâu Việt Nam.
Cái còn và cái mất của người nghệ sĩ
“Trên đường ra phi trường Tân Sơn Nhứt tôi nhìn thấy vài quầy bán vé số kiến thiết để một băng tang trên đó ghi một dòng chữ ‘Trần Văn Trạch đã từ trần’, để tưởng nhớ một quái kiệt trong làng tân nhạc miền Nam lừng danh với bài hát “Xổ số kiến thiết quốc gia” trước đây. Trần Văn Trạch mất ngày 10 Tháng Tư năm 1994 tai bịnh viện Tenon Quận 20 Paris, nước Pháp, hưởng thọ 70 tuổi, vì bịnh ung thư gan!” (theo Hồi Ký Trần Văn Khê, nhà xuất bản Trẻ, 2001)
Năm 1977 Trần Văn Trạch sang Pháp định cư như bao người Việt Nam thời bấy giờ! Tại Pháp Anh phụ trách chương trình văn nghệ cho một nhà hàng, rồi xoay sở vào làm cho văn phòng luật sư của người Việt Nam. Ðoàn tụ với vợ con năm 1980, rồi vợ chồng góp nhặt vốn mở nhà hàng bán thức ăn Việt Nam trong siêu thị Pháp với sự giúp đỡ của thân nhân và bằng hữu.
Không biết do bạn bè rủ rê hay do “cái nghiệp” đưa đẫy Trần Văn Trạch qua Mỹ. Tại Mỹ với những bài “Xổ số kiến thiết quốc gia”, “Chuyến xe lửa mùng năm”, “Cái tê-lê-phôn”... làm cho anh được sống lại và đồng hương của anh như được sống lại với bao kỷ niêm vô cùng đẹp ngày xưa!!!
Năm 1994 trong buổi tập dợt mừng thọ 70 tuổi, anh bị đột ngụy, được bạn bè đưa về Pháp để diều tri.
Anh vĩnh viễn ra đi ngày mùng 10 Tháng Tư năm 1994!
Cuộc đời nghệ sĩ Trần Văn Trạch gắng chặt với cái tên Sầm Giang nơi anh sanh ra, có phải tại vì Sầm Giang là Rạch Gầm, con sông gợi hứng cho anh sáng tác?
Anh không để lại chiến công nên không có tượng đồng bia đá. Anh chỉ để lại tiếng khóc và niềm tiếc thương của bao người ái mộ.
Như câu nói của danh nhân nào đó: “Khi mới chào đời, ta cất tiếng khóc trong khi mọi người thân chung quanh tươi cười. Ta hãy sống như thế nào để khi từ giã vĩnh viễn cõi đời, mọi người khóc còn mình thì mỉm cười ra đi.”
Ðó chính là cái còn và cái mất của Trần Văn Trạch cũng như bao nghệ sĩ tài danh vậy.
tancogiaoduyen (Theo Trần văn Chi - NV)
em đang sưu tầm vé số của thời VNCH mấy anh mấy chi nào còn thì cho em xin nhé
Trả lờiXóa