Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...
Liên kết với FB Nam Ròm để xem Hình Xưa Mời các bạn xem thêm Hình Xưa mà Ròm post mới trên mạng Net FB trước khi post vào Blog này .

7 thg 8, 2012

Biệt đội tình báo Thiên Nga .

Biệt đội tình báo Thiên Nga .

TỔ QUỐC DANH DỰ TRÁCH NHIỆM

TỔ QUỐC lâm nguy nguyện dấn thân
Phục hồi DANH DỰ trả toàn dân
Mọi người TRÁCH NHIỆM chung vai gánh
Dân Chủ, Tự Do quyết đoạt thành!


BIỆT ĐỘI THIÊN NGA

Nguyễn Thanh Thủy


Biệt Đội Thiên Nga ra đời trong những năm cao điểm của cuộc chiến tranh bảo quốc của quân dân miền Nam đối với bọn xâm lược Cộng Sản phương Bắc. Sau năm 1954, nền đệ nhất Cộng Hòa đã được hình thành ở miền Nam Việt Nam, do đó, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia cũng được củng cố lại để lo an ninh quốc gia và bảo vệ mọi tầng lớp dân chúng. Thành phần nữ nhân viên trong lực lượng Cảnh Sát vẫn còn được xử dụng hạn chế trong các phần vụ như: văn phòng hành chánh, kiểm soát tài nguyên, cảnh sát an ninh phi cảng, hải cảng, cảnh sát ngoại kiều, tiếp tân, trại giam, giáo dục v.v…Những nữ nhân viên này được tuyển dụng tuỳ theo nhu cầu công tác, theo từng giai đoạn, chứ chưa có một trường lớp chính quy nào, v.v…

Mãi cho đến cuối năm 1965, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà mới mở một Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nhận thi tuyển cả nam và nữ sinh viên Sĩ Quan Cảnh Sát. Điều kiện tối thiểu về trình độ học vấn là có bằng cấp Tú Tài I trở lên. Sau khi tốt nghiệp, các nữ Sĩ Quan Cảnh Sát được phân phối về Tổng Nha Cảnh Sát, Khối Đặc Biệt và một số ít được phân phối về các Nha, Tỉnh thuộc bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam .


Sau hai lần đẩy lui các cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân và tháng 5-1968, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa cần tăng cường lực lượng cảnh sát trong việc bảo vệ an ninh đất nước, ngăn chận Việt Cộng xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Vai trò cảnh sát được đặt nặng và quan trọng hơn, đặc biệt là sự cần thiết để có một tổ chức toàn những nữ cảnh sát để hoạt động trong công tác tình báo, hoạt động riêng rẽ hay phối hợp với các công tác của nam cảnh sát đang hoạt động.

Tháng 8-1968, do một sự vụ văn thư của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, quyết định thành lập một tổ chức toàn là nữ nhân viên, có tên gọi là: “Biệt Đội Thiên Nga”, trực thuộc Khối Đặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, hoạt động độc lập, song song với các tổ chức đã được thành lập trước đó. Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm, phân tích tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức, các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam.

Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề tuyển mộ, đào tạo nhân viên…cho đến công tác tìm đầu mối, xây dựng cơ sở, giám thị, v.v…

-Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Đặc Biệt

-Biệt Đội Thiên Nga Thủ Đô và 11 quận có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Đô Thành

-Biệt Đội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV và tại các tỉnh trên toàn quốc từ Quảng Trị đến Cà Mau

Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có 4 ban: Ban Hành Chánh, Ban Tổ Chức Phát Triển, Ban Huấn Luyện và Ban Hoạt Vụ. Nhiệm vụ của Thiên Nga Trung Ương là thành lập cơ sở văn phòng, tuyển mộ nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Đồng thời, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương đôn đốc và hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sái Quốc Gia, thành lập Biệt Đội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Đô Thành và tại các tỉnh. Biệt Đội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nữ nhân viên gửi về Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương ở Sài gòn để đưa đi thụ huấn các khoá học tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Các phụ nữ được tuyển mộ phải có ít nhất là văn bằng Trung học Đệ nhất cấp hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ của Cảnh Sát không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng Tiểu học.

Các nữ nhân viên được tuyển lựa này gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh, sinh viên, cô giáo và vũ nữ, v.v…Các nữ nhân viên lần lược được học qua các lớp Tình báo căn bản (4 tuần), Theo dõi (6 tuần), Cán bộ điều khiển (8 tuần),…và đặc biệt là khoá tác xạ tại trường Tình Báo Trung Ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới có thể lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh phải ở nội trú và mang bí số.

Việc giảng dạy do các Giảng viên Tình báo phụ trách, còn giám thị do các nhân viên Thiên Nga Trung Ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gởi đi học, và bắt đầu nhận công tác do các ngành Đặc Biệt phân nhiệm. Công tác trực thuộc sự hướng dẫn của phụ tá Đặc Biệt địa phương và báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung Ương.

Tại Trung Ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn. Biệt Đội Trưởng, phụ tá Biệt Đội Trưởng Thiên Nga Trung Ương và các Cán Bộ Điều Khiển đều là nữ Sĩ Quan Cảnh Sát tốt nghiệp khoá I Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Riêng Biệt Đội Trưởng và Phụ Tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng Phòng Đặc Biệt tại trường Tình Báo Trung Ương vào năm 1967

Ngoài các nữ Sĩ quan và nhân viên Cảnh Sát chính thức, Biệt Đội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng, xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan cảnh sát), các bạn hàng chợ, các học sinh sinh viên trường trung học và đại học…để làm mật báo viên cho Biệt đội. Số cộng tác viên gấp nhiều lần số nhân viên chính thức.

Các nhân viên Trung Ương đi công tác hoạt vụ đều có học khóa chuyên môn tình báo để được hướng dẫn rõ ràng chi tiết công tác họ phải đảm nhận cũng như cách thức bảo vệ an ninh tối đa cho họ. Các nữ nhân viên hoạt vụ đều có bí số và bí danh. Tùy vào công tác, họ được tạo cho một nguỵ tích với tất cả giấy tờ tùy thân và lý lịch mới.

Nhằm mục đích nhu cầu bảo mật công tác, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương có những kiosque buôn bán lẻ, có điện thoại công cộng để làm nơi liên lạc (hộp thư sống và chết), v.v…và một nhà an toàn làm nơi tiếp xúc với tình báo viên, mật báo viên, nhất là tình báo viên từ mật khu về. Vì là Biệt Đội tình báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác như Sơn Ca, Hoạ Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v…Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v…Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Đặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Đội Thiên Nga mang ám danh mới: Đoàn Đặc Nhiệm G423g để bảo mật hoạt động.

Song song với việc xây dựng tổ chức, đào tạo nhân viên, Biệt Đội Thiên Nga Trung Ương luôn nổ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội đoàn Phụ Nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, hội Phụ nữ đòi quyền sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả có Việt Cộng xách động, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh thân Cộng Sản để kịp thời ngăn chặn những tên Việt Cộng nằm vùng, triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Không những thế, Biệt Đội Thiên Nga còn xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của Cộng Sản.

Nhìn lại quá trình công tác của các nữ nhân viên Thiên Nga, phải thừa nhận rằng công việc của họ rất nguy hiểm, tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua các tài liệu tịch thu được của Việt Cộng, sau những thất bại nặng nề, chúng rất đề cao cảnh giác “nữ Thiên Nga”. Việt Cộng luôn tìm cách ám sát những ai chúng nghi ngờ là nhân viên Thiên Nga. Còn các nhân viên Thiên Nga len lỏi vào các hội đoàn tham dự các cuộc biểu tình, tuyệt thực, chống đối nên cũng phải chịu “hưởng” hơi, cay, dùi cui của Cảnh Sát. Các chị em Thiên Nga còn phải hy sinh những tình cảm riêng tư, thời gian dành cho gia đình, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để làm tròn bổn phận công dân yêu nước đấu tranh cho lý tưởng tự do.

Thật khó có thể ghi lại hết những chiến công thầm lặng của các nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga, tuy vậy những công tác sau đây là ví dụ điển hình về các hoạt động của Biệt Đội Thiên Nga.

Một trong các công tác mà Việt Cộng vẫn còn tức tối là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho phái đoàn Quân Sự Bốn Bên vào họp tại trại David, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Mặc dù chúng nghi ngờ nên chúng đề nghị chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức CS Bắc Việt) và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhưng cuối cùng nhà thầu chúng chọn lại là của Biệt Đội Thiên Nga. Công tác này mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động cho đến ngày cuối cùng 28-04-1975.

Công tác mang ám danh là Hải Âu đã cài được một nhân viên Thiên Nga vào Hội đoàn phụ nữ đối lập và tạo được niềm tin nên được Việt Cộng chọn đi học lớp tình báo chung với chúng.

Công tác len lỏi vào Hội phụ nữ đòi quyền sống, hoạt động chung với một cán bộ nằm vùng. Mãi đến sau 1975, tên nữ cán bộ mới biết đến người thư ký của Ban Xã Hội là nhân viên Thiên Nga. Lúc ấy tên nữ cán bộ là Đại úy Công an tức tối đề nghị gia tăng 6 tháng tù trong khi chị nhân viên Thiên Nga đã có giấy ra trại. Công tác này mang ám danh Hoạ Mi.

Trong 5 năm liền, một nữ Huyện uỷ viên của Việt Cộng đã hợp tác với Biệt Đội Thiên Nga. Sau 30-04-1975, chị vẫn giữ chức Huyện uỷ của một Huyện gần Saigon. Cho đến sáu tháng sau đó, Việt Cộng mới truy ra được từ hồ sơ còn sót lại ở địa phương, nên đã khai trừ chị khỏi Đảng Cộng Sản và giam chị ở Chí Hoà. Chị đã may mắn không bị chúng xử tử hình. Sau tôi gặp lại chị ở trại Hàm Tân, chị mới vỡ lẽ tôi-người tên Năm tiếp xúc với chị năm xưa-là Thiếu Tá Biệt Đội Trưởng Thiên Nga. Công tác này được mang tên Hoàng Oanh.

Các công tác, hoạt động của Thiên Nga càng thành công tốt đẹp bao nhiêu thì Việt Cộng càng tức tối lên án, càng đề cao cảnh giác với nhân viên Thiên Nga. Do đó những bản án không xét xử trả thù hèn hạ dành cho các nữ nhân viên Thiên Nga của Cộng Sản là từ 3 năm đến 13 năm trong các trại tù “cải tạo”. Tuy vậy các chị em nhân viên của Thiên Nga vẫn hãnh diện, giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những giao lao của năm tháng tù đày.

Tôi rất xúc động khi phải nhắc lại quá khứ của Biệt Đội Thiên Nga, với những anh thư đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống Cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước miền Nam Việt Nam . Tôi rất hãnh diện về Biệt Đội Thiên Nga, các nữ nhân viên từ Hạ sĩ quan đến Sĩ quan, cùng các cộng tác viên đã giữ trọn khí tiết trong lúc sống khổ sở trong lao tù hay trong sự kềm kẹp của chế độ Cộng Sản ngoài xã hội, sau khi được thả về. Tôi mong ước một ngày gần đây những nữ Thiên Nga hải ngoại sẽ gặp lại các bạn Thiên Nga còn ở lại Việt Nam , tay bắt mặt mừng trong niềm vui thấy đất nước thật sự có tự do dân chủ.

Tôi viết bài này, cũng mong quý bạn có cái nhìn rõ hơn về người Cảnh Sát Quốc Gia, trong đó có những nữ Cảnh Sát, những chị bán hàng, những anh chị em sinh viên…đã có một thời hiến dâng máu xương cho đất nước.

Đội trưởng Biệt đội Thiên Nga


Chân dung người nữ Biệt Đội Trưởng Tình Báo Thiên Nga
NỮ THIẾU TÁ CSQG NGUYỄN-THANH-THỦY


Lẫn trong đám đông ồn ào của ngày Hội Ngộ Tân Niên Mừng Xuân Giáp Thân 2004 của Hội Ái Hữu Cảnh Sát Quốc Gia Pomona, Nam California, người phụ nữấy trông vẻ ngoài cũng bình thường như bao người phụ nữ khác, nhưng đến khi chị được Ban Tổ Chức giới thiệu và mời lên phát biểu thì người ta mới được biết người phụ nữấy đã một thời từng chỉ huy một biệt đội tình báo làm cho kẻ thù phải kiêng nể và căm phẫn vì những chiến công lớn lao mà chị đã đóng góp cho cuộc chiến vì Tự Do trước đây.
Người phụ nữấy là cựu nữ Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Thanh Thủy, người từng chỉ huy một biệt đội tình báo toàn là nữ của ngành CSQG/VNCH có tên là Thiên Nga. Không rõ có phải là định mệnh đã đưa đẩy cô nữ sinh trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho rồi sinh viên Dược Khoa Sàigòn và Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt trở thành một nữ sĩ quan cảnh sát. Năm 1966, cô đã rời bỏ mái trường Đại Học Đà Lạt để trở thành một sinh viên sĩ quan của Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, một ngôi trường đào tạo sĩ quan cho lực lượng CSQG/VNCH vừa mới được thành lập. Vốn là một con người năng động, ham muốn phục vụ tha nhân và xã hội, cô không muốn phải miệt mài nhiều năm trên ghế nhà trường trước khi được phục vụ tha nhân.

Ngành Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trước khi thành lập Học Viện CSQG hầu như không có nữ sĩ quan ngoại trừ những nữ nhân viên hành chánh biệt phái. Khóa I Học Viện CSQG là khóa đầu tiên và duy nhất đào tạo nữ sĩ quan cho ngành cảnh sát. Mặc dù sau này do nhu cầu phát triển, ngành cảnh sát có tuyển dụng thêm một số nữ sĩ quan đồng hóa nhưng họ chỉ phải trải qua một thời gian huấn luyện ngắn hạn chứ không phải chịu một thời gian huấn luyện (và huấn nhục) dài 9 tháng (cho cả nam lẫn nữ) như Khóa I Sĩ Quan Cảnh Sát. Cô nữ sinh viên Nguyễn Thanh Thủy, người con gái Mỹ Tho, đã cùng gần 50 bạn nữ khác tình nguyện xếp bút nghiên vào học nội trú trong Học Viện CSQG mà không hề có một khái niệm gì về những hoạt động của ngành này.

Sau khi tốt nghiệp, hầu hết số nữ sĩ quan này được phân phối về phục vụ tại Khối Đặc Biệt, một bộ phận chuyên trách về tình báo và phản tình báo của lực lượng CSQG. Từ trước đến nay, công tác tình báo trong ngành cảnh sát vẫn thường do các bạn nam phụ trách, phái nữ chỉ trợ giúp khi có sự yêu cầu và thường do các bạn nam điều động.

Nhưng kể từ sau cuộc tổng tấn công của Việt Cộng trong Tết Mậu Thân năm 1968, vai trò an ninh và tình báo đã được chú trọng hơn và nhu cầu cần có một mạng lưới an ninh tình báo toàn phái nữ đã được đặt ra. Trước nhu cầu đó, Bộ Tư Lệnh CSQG đã quyết định thành lập một đơn vị tình báo toàn là nữ nhân viên có tên gọi là “Biệt Đội Thiên Nga”, tên của một loài chim “quý phái”, trực thuộc Khối Đặc Biệt, hoạt động độc lập, song song với các cơ cấu đã có từ trước. Biệt Đội này đã được giao cho chị Nguyễn Thanh Thủy đảm trách, năm đó chị mới ngoài hai mươi tuổi.

Nhiệm vụ của Biệt Đội Thiên Nga là sưu tầm và phân tích các tin tức tình báo, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức và các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn quốc. Vạn sự khởi đầu nan. Công việc khởi đầu bao giờ cũng khó khăn. Từ việc tổ chức cho đến nhân sự, tất cả đều mới mẻ, nhưng nhờ những năm phục vụ tại Khối Đặc Biệt trước đó đã cho chị Nguyễn Thanh Thủy nhiều kinh nghiệm trong việc hình thành một mạng lưới tình báo nữ xuất sắc cho ngành CSQG. Các nữ nhân viên được tuyển mộ cho Biệt Đội Thiên Nga đều là những người có trình độ văn hóa tối thiểu là văn bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (tốt nghiệp cấp 2 Trung Học) hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ cảnh sát chỉ cần có văn bằng tiểu học. Họ được tuyển lựa từ đủ mọi thành phần trong xã hội; từ những cô bán hàng ở chợ, những người bán hàng rong, cho đến các sinh viên, học sinh, cô giáo, thư ký văn phòng, nhân viên nhà hàng, bưu điện, vũ nữ, v.v... Họ sẽ lần lượt được học qua các lớp Tình Báo căn bản, Theo Dõi, Cán Bộ Điều Khiển, Tác Xạ ... trước khi được giao công tác.

Dưới sự chỉ huy của chị Nguyễn Thanh Thủy, Biệt Đội Thiên Nga đã tổ chức xâm nhập, len lỏi vào các tổ chức của cộng sản, những tổ chức thiên tả thân Cộng như các Hội Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, Hội Các Bạn Hàng tại các chợ, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các tổ chức tôn giáo khuynh tả, các tổ chức thanh niên sinh viên học sinh để kịp thời ngăn chặn và triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Ngoài ra, Biệt Đội còn bí mật tổ chức xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập những tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của Cộng Sản. Mỗi kế hoạch công tác của biệt đội Thiên Nga vì toàn là nữ nên cũng lãng mạn mang một ám danh bằng tên của một loài chim như Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, ... Nhưng nếu công tác có tính phối hợp với các cơ quan bạn thì lại mang ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn, v.v...

Mặc dù chỉ mới được thành lập không bao lâu trước ngày 30-4-1975, nhưng Biệt Đội Thiên Nga đã tạo được nhiều chiến công đáng kể mà ngay chính kẻ thù cũng phải kiêng nể. Vì là một đơn vị hoạt động tình báo nên việc ngụy thức và bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác này các nữ Thiên Nga đã rất thành công, không để lộ tung tích khiến cho kẻ địch phải ngờ vực. Thậm chí đã có trường hợp chúng còn tin tưởng đề cử người của Biệt Đội Thiên Nga vào những chức vụ chủ chốt của chúng hoặc gởi đi học những khóa chuyên môn hoặc tình báo của chúng; chẳng hạn như một cán bộ của biệt đội đã từng được tổ chức Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành (vừa qua đời tại Việt Nam), một tổ chức ngoại vi nằm vùng của Cộng Sản, đề cử vào chức vụ phụ tá Phong Trào – tuy nhiên sau khi cân nhắc lợi hại Biệt Đội đã chỉ thị người nữ nhân viên ấy phải từ chối khéo để tránh bị lộ.

Một trong những chiến công mà chị Nguyễn Thanh Thủy cho là lý thú nhất là chị đã tổ chức được một đội tình báo nằm ngay trong lòng bộ chỉ huy của phái đoàn quân sự bốn bên. Theo Hiệp Định Paris về Việt Nam được ký kết vào ngày 27 tháng 01 năm 1973, phái đoàn quân sự bốn bên này gồm có: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. Đội tình báo này chính là nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Bắc Việt và MTDTGPMN. Đầu tiên, những nhà thầu cung cấp thực phẩm chỉ là những cảm tình viên do chúng ta giới thiệu nhưng đã bị chúng nghi ngờ không chấp nhận. Chúng yêu sách đòi hỏi phải đăng báo để chúng tìm nhà thầu khác ngoài công chúng do chúng tự chọn. Nhưng thật là khôi hài, chị Thủy cho biết, chúng chọn ai không chọn, lại chọn đúng ngay đội tình báo của biệt đội Thiên Nga trá hình làm nhà thầu cung cấp thực phẩm cho chúng. Công tác này được mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động mãi cho đến ngày cuối cùng là 28-4-1975.

Đối với người phụ nữ Việt Nam, công việc hoạt động tình báo quả là một thử thách khó khăn vì người phụ nữ dù làm việc trong lãnh vực nào cũng vẫn không thề quên cái thiên chức làm vợ, làm mẹ đè nặng trên vai. Hơn nữa người tình báo lại là người muôn mặt. Khi thì là một nữ sinh viên ngây thơ nhí nhảnh, lúc lại là một chị bán hàng rong tất bật lam lũ. Hôm nay là một mệnh phụ đài các, ngày mai lại là một chị nông dân chất phác,... Cái khó khăn là phải biết nhập vai sao cho chính xác mà vẫn không bị lộ. Cho nên để bảo toàn bí mật và để hoàn thành những nhiệm vụ được trao, người nữ cán bộ tình báo nhiều khi đã bị mang tiếng là bỏ bê gia đình bởi do nhu cầu công tác có những lúc họ phải đi sớm về khuya, bỏ mặc con ngóng, chồng trông mà không sao giải thích được. Đó cũng là nỗi khổ tâm của người nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga. Vượt qua được những trở ngại đó, các nữ chiến sĩ Thiên Nga đã nhiều phen tạo được những chiến công to lớn (trong thầm lặng). Họ đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống Cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước miền Nam Việt Nam.




Cộng Sản cũng rất lưu ý đến những hoạt động của Biệt Đội Thiên Nga. Hầu hết những cán bộ điều khiển của biệt đội đều phải trải qua nhiều năm trong những trại tù khắc nghiệt của cộng sản sau ngày 30-4-1975. Mặc dù vậy họ vẫn giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những gian lao của bao năm tháng tù đày. Trong những ngày cuối cùng khi biết Miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, với tinh thần trách nhiệm cao độ, chị Nguyễn Thanh Thủy đã kịp thời tiêu hủy tất cả các hồ sơ nhân viên, kể cả danh sách các cảm tình viên và những người phía bên kia hoạt động nhị trùng cho biệt đội. Chị cũng thiêu hủy tất cả các kế hoạch công tác đã hoặc chưa thi hành để kẻ thù không thể khai thác khi chúng tiếp quản Miền Nam. Chị Nguyễn Thanh Thủy đã bị chúng giam cầm đến gần 13 năm mới được tha, khi sức khỏe của chị đã quá suy sụp tưởng chừng không gượng dậy nổi, nhưng như một phép lạ chị đã lần lần phục hồi sau một thời gian được trả tự do. Trong thời gian bị giam, chị đã bị kẻ thù hành xác và khủng bố tinh thần qua các thủ đoạn biệt giam, hăm dọa, bỏ đói, ... để moi cung nhưng chúng vẫn không khai thác được gì nơi chị ngoài những điều chúng đã biết.

Định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ, theo diện H.O. từ năm 1992 đến nay, tuy đã lớn tuổi và sức khỏe có phần nào hạn chế bởi những năm tháng trong ngục tù Cộng Sản, chị Nguyễn Thanh Thủy vẫn tỏ ra năng động và luôn tích cực trong nhiều sinh hoạt cộng đồng. Mới đây chị vừa được cựu Tướng Lê Minh Đảo, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại đề cử vào chức vụ Trưởng Khối Xã Hội của tổ chức này. Chị nói, đã là người Việt thì ai là người không nặng tình với đất Việt, dân Việt. Được dịp phục vụ Tổ Quốc là một hãnh diện và danh dự thì làm sao chị có thể chối từ, hơn nữa khi “giặc đến nhà, thì đàn bà cũng phải đánh”, đó là lời tâm sự của chị.

Là cựu Biệt Đội Trưởng Thiên Nga, một cựu cấp chỉ huy về tình báo, chị cảm nhận được rằng đang có những sự xâm nhập của tình báo Cộng Sản tại hải ngoại. Chúng đã và đang len lỏi trong cộng đồng bằng những thủ đoạn gây chia rẽ và phá rối dưới nhiều hình thức. Kẻ thù đang giấu mặt. Chị Thủy nói, chúng ta cần cảnh giác với chúng, bởi vì Cộng Sản rất tinh vi và quỷ quyệt, chúng lại sẵn có phương tiện (tài chánh) dồi dào trong tay, nên nếu chúng ta không tỉnh táo sẽ rơi vào bẫy sập của chúng.


Toàn Như

Chân dung một H.O.


Thiên Nga NGUYỄN THANH THỦY Thiên Nga NGUYỄN THANH THỦY Người Nữ Sĩ Quan Cảnh Sát, Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga với 9 năm quân vụ nhưng có tới 13 năm tù Nhân kỷ niệm đánh dấu thời gian ba mươi năm (1975-2005) của người Việt tỵ nạn bỏ nước ra đi và hình thành cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ, cũng như kỷ niệm 15 năm những người cựu tù nhân chính trị đến Hoa Kỳ theo diện H.O., Nhật Báo Người Việt sẽ có một loạt bài về đời sống hiện nay của những anh em H.O. ở quê người. Anh chị em cựu tù nhân chính trị sang định cưtại Hoa Kỳ theo các danh sách H.O. từ năm 1990 đến nay, người đầu tiên lâu nhất là gần mười lăm năm, người trễ nhất cũng đã đến đây được sáu bảy năm. Gia đình, công việc coi như đều đã ổn định, nhưng số phận đã đem mỗi con người đi theo những con đường khác nhau.
Sang đây, tùy cuộc đời đưa đẩy, có người đi học lại có cấp bằng để gia nhập vào đời sống Hoa Kỳ một cách dễ dàng, có người chịu làm nghề tay chân để sống qua ngày, không ít bạn xoay sang các ngành nghề thương mãi, cũng có người trở thành những nhà tu hành với những tôn giáo khác nhau. Sau bao nhiêu năm lao tù, đói khát, nhọc nhằn, sang đến đây, sức tàn lực kiệt, đã có rất nhiều người hiện đang đang nằm trong nursing home hay đã qua đời. Chúng tôi hy vọng, trong khả năng hạn hẹp, sẽ tìm hiểu và vẽ lại chân dung đa dạng của những người anh em mà chúng ta tạm gọi là những người H.O. Chúng tôi rất mong đón nhận sự đóng góp bài vở, ý kiến của anh em H.O. cho mục này. Xin liên lạc qua trang Cựu Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa, ấn hành vào mỗi thứ tư trong tuần.

Cô sinh viên trường Ðại Học Kinh Doanh, Trường Sư Phạm Công Giáo Ðà Lạt và cả Ðại Học Y Khoa Sài Gòn đã bỏ dở những con đường bằng phẳng này để tình nguyện vào ngành cảnh sát làm một sĩ quan tình báo, con đường mà có thể cô không ngờ trước đã đem lại cho cô mười ba năm tù “cải tạo”. Tháng Sáu năm 1975, chồng cô cũng là một sĩ quan phục vụ tại trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt đã cùng cô gánh vác nỗi gian truân của người lính thất trận, ra đi để lại cho các em gái cô, cũng trong hoàn cảnh khó khăn, nuôi ba đứa con mới lên bẩy, năm và bốn tuổi của vợ chồng cô.

Nguyễn Thanh Thủy sinh trưởng tại thị xã Mỹ Tho trong một gia đình nhà giáo, nhưng lại không thích nghề dạy học. Năm 1965, cô nghe lời bạn bè thi tuyển vào ngạch Biên Tập Viên Cảnh Sát Khóa I tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, lúc mới thành lập, ở trên đường Lê Văn Duyệt. Ra trường và sau một kỳ thi trắc nghiệm cô được chọn vào Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt, phụ trách nghiên cứu kế hoạch và tốt nghiệp khóa Trưởng Phòng Tình Báo tại Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, và được cử đi quan sát các tổ chức tình báo tại Mã Lai. Sau trận Mậu Thân, vì nhu cầu quân sự cần đánh phá và thâm nhập vào hạ tầng cơ sở của Cộng Sản tại miền Nam, biệt đội Thiên Nga được thành lập, và năm 1969, cô được chính thức cử làm Biệt Ðội Trưởng từ ngày đó cho đến khi miền Nam sụp đổ. Biệt Ðội Thiên Nga gồm những cán bộ nữ, được tuyển làm cảm tình viên, mật báo viên, hoạt động khắp lãnh thổ miền Nam, từ thành thị đến những thôn xóm xa xôi. Họ từ lứa tuổi từ 20 đến 40, hoạt động tình báo bí mật, có thể thâm nhập vào các tổ chức của hạ tầng cơ sở Cộng Sản để hoạt động. Biệt Ðội Thiên Nga trong thời gian này đã cấy nhân được vào trong thành phần thứ ba, hoạt động trong tổ chức Phụ Nữ Ðòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành. Không ít người đã được Cộng Sản móc nối đưa vào mật khu học tập, và có người đã bị hy sinh trong những trận đột kích hay đánh bom của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Theo những tài liệu bắt được, Thiên Nga đã được Cộng Sản đánh giá cao và coi là nguy hiểm cho các tổ chức hạ tầng của chúng sau những tổn thất do thành tích, công tác của những con Thiên Nga nhỏ bé, đẹp đẽ và tinh khôn. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy còn đủ thời gian để thiêu hủy toàn bị hồ sơ của biệt đội và trốn về nhà.
Qua sự truy lùng của chính quyền Cộng Sản, nhiều cán bộ trong biệt đoàn tại địa phương đã cảnh giác, trốn qua tỉnh khác, thay đổi lý lịch. Ðể tìm những “Thiên Nga” chưa lộ hình tích, năm 1980, Biệt Ðoàn Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thu Thủy được đưa trở lại Trung Tâm Thẩm Vấn X4 tại Tổng Nha Cảnh Sát để khai thác mạng lưới tình báo hạ tầng. Do không có kết quả, cô đã bị biệt giam trong thời gian bốn tháng tại đây. Trong thời gian mười ba năm từ 1975 đến 1988, Nguyễn Thanh Thủy đã bị chuyển qua lại các trại Long Thành, Thủ Ðức và Z30D và đã viết hằng trăm bản tự khai. Trong thời gian này, chồng cô, Ðại Úy Lê Thành Long, trưởng ban nghi lễ trường võ bị đã ra tù vào Tháng Mười năm 1981. Vì ngôi nhà nhỏở Quận 5 đã bị chính quyền địa phương chiếm đoạt, ông phải về quê ở Bình Chánh để làm ruộng, trong khi các con vẫn theo bên ngoại ở Mỹ Tho, trong hoàn cảnh khá trớ trêu này, chính ông làm người chồng đi thăm nuôi vợ tù trong bảy năm tù còn lại. Nguyễn Thanh Thủy ra trại trong một hoàn cảnh khá khó khăn, khi chồng, vợ, con ở ba nơi; địa chỉ ra trại, địa chỉ tạm trú và địa chỉ ghi tên theo chương trình H.O. ở ba chỗ. Cô đã xin trả lại nhà mà không được, xin giấy tờ tạm trú cũng không xong. Ðể sống còn, Nguyễn Thanh Thủy đã trở thành bà chủ nhỏ một hàng bán cơm tấm, nước ngọt bên vệ đường cho dân lao động ở góc đường Hai Bà Trưng và Phan Thanh Giản.

Tuy vậy cựu nhân viên tình báo này đã được công an thành phố lưu ý theo dõi vì sợ hàng cơm này trở thành một nơi gặp gỡ trao đổi của các nhân viên tình báo chế độ cũ để tìm cách chống phá “cách mạng”. Năm 1988, sau khi ra tù, cô nhận được giấy giới thiệu nhập cảnh (LOI) và năm 1989, sau khi có sự thỏa thuận giữa chính phủ Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam cho những người tù cải tạo đi định cư tại Hoa Kỳ, Nguyễn Thanh Thủy mới nộp đơn đi theo chương trình này. Tuy vậy, trường hợp đặc biệt của Nguyễn Thanh Thủy, công an Nguyễn Du phải giữ hồ sơ cô lại khoảng một năm để chờ ý kiến của Cục Tình Báo Hải Ngoại, do đó mãi đến danh sách H.O.12, cô và gia đình mới có tên và đến Hoa Kỳ vào Tháng Hai năm 1992. Trong thời gian trên hè phố, cô Nguyễn Thanh Thủy đã gặp gỡ và giúp cho nhiều cựu nhân viên hoạt động trong biệt đội Thiên Nga ngày trước, hiện nay không còn một mảnh giấy nào để chứng minh, bằng cách viết giấy tay chứng nhận cho họ và gởi qua Bangkok. Công việc này rất có kết quả và hiện nay nhiều “Thiên Nga” đã định cư tại Hoa Kỳ. Sau mười ba năm tù, sang Hoa Kỳ, gia đình cô đã gặp nhiều chuyện không vui khi con gái đầu lòng của cô qua đời đột ngột vào năm 2002 và cô còn phải nặng gánh vì một cháu út có bệnh bẩm sinh. Hai vợ chồng cô cũng đang vất vả để lo cho cuộc sống và còn có bổn phận phải giúp đỡ cho những người thân đã cưu mang các con cô ròng rã mười ba năm trời. Nhiều thuộc cấp của cô ngày trước hiện còn ở trong nước, không ở trong trường hợp là thương phế binh, quả phụ... nhưng đang có những ngày khó khăn vì hoàn cảnh, cần sự vận động giúp đỡ của cô. Gặp Nguyễn Thanh Thủy bây giờ, một người nội trợ đảm đang, có cuộc sống gia đình đơn giản, ít ai nghĩ đó là một người đàn bà một thời, nắm một biệt đội tình báo với những viên chức gan dạ, dưới một danh hiệu mỹ miều là ”Thiên Nga”, đã làm cho hạ tầng cơ sở của Cộng Sản ở miền Nam phải lo sợ và làm cho bạn bè, chiến hữu phải nể phục.


HUY PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hình ảnh xưa gom về từ mọi nơi trên mạng Net ,không phải của Ròm ,không thuộc về Ròm .Các bạn cứ tự nhiên lấy về để xem ,để cho bạn của các bạn xem hay làm tư liệu ..... sao cũng được hihi .Phần nhiều hình xưa từ trước 1975 và một ít hình xưa thuộc về cận sau 75 . Về nguồn hình đem về thì có cái có có cái không đó là do khi có khi không và "quên" cái việc "Nguồn Hình" hehehe Thông cảm nha .

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm


Những bài đăng trong tầng lầu này